Ô nhiễm rác thải nhựa và biến đổi khí hậu là hai mối đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của mỗi Quốc gia. Chính vì vậy, mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia cần có hành động bảo vệ sự sống của chính mình thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt, bao bì bằng nhựa một lần. Đồng thời có đầu tư khoa học công nghệ tái chế, xử lý rác nhựa an toàn, từng bước tái tạo môi trường sống trong lành.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 về phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
Chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm có thể phân hủy, thân thiện với môi trường; giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Ô nhiễm rác thải nhựa và biến đổi khí hậu là hai mối đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của mỗi Quốc gia. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch số 2738/KH-UBND tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025.
Phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; từ năm 2025 trở đi, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày nhỏ hơn 50 µm (micrômét), không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch.
Theo đó, kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ: Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, xử lý chất thải nhựa và hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa; Triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
UBND tỉnh Tây Ninh giao Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; định kỳ hàng năm (ngày 15 tháng 11) báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Nguồn Môi trường và Đô thị