Nhiều mô hình sáng tạo trong thu gom, phân loại và xử lý rác thải
Lãnh đạo Đảng ủy phường An Tường,Giám đốc Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình tặng bình đựng nước bằng thủy tinh; túi thân thiện môi trường, xô phân loại rác cho các tổ dân phố
Hưởng ứng phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” do MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang phát động, từ năm 2020 nhiều mô hình sáng tạo đã được hình thành và triển khai có hiệu quả huy động nhiều tổ chức, cá nhân sự tham gia.
Suốt trong 1 năm qua, chiếc xe tải tự chế chuyên đi thu gom rác của anh Đặng Văn Lâm, một người dân sống ở thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã giúp thôn bản luôn sạch sẽ. Đặc biệt, chiếc xe này do anh tự bỏ kinh phí chế tạo đã giúp giải quyết vấn đề rác thải cho nhiều gia đình và các điểm thu gom rác tập trung của địa phương. Nhiều người cho rằng anh lo việc bao đồng, nhưng anh vẫn kiên trì nhằm giúp bà con thay đổi thói quen về bảo vệ môi trường.
Anh Lâm chia sẻ, anh chế ra chiếc se này nhằm giúp cho bà con, tuyên truyền cho bà con về thu gom, phân loại rác. Anh vui mừng khi thấy bà con thôn bản đã dần nhận ra những lợi ích của việc làm trên và đã đồng tình cùng anh triển khai mô hình thu gom, phân loại rác thải.
Tại Phường An Tường , thành phố Tuyên Quang, hơn 1.360 chiếc xô phân loại rác đã được cấp phát cho hơn 680 hộ gia đình. Nhờ được phân loại nên việc sử lý rác trở nên thuận tiện hơn. Cũng nhờ tuyên truyền 10 hộ gia đình đã tự xây bể xử lý rác, ủ rác hữu cơ. Việc làm này vừa giảm nguồn rác thải ra môi trường, vừa tạo nguồn phân bón cho cây trồng.
Ông Nguyễn Công Tâm - Trưởng ban Công tác mặt trận của Tổ 4, phường An Tường, TP Tuyên Quang khẳng định, hiện nay 100 % số khu dân cư trên địa bàn đã đảm bảo môi trường sạch sẽ từ trong nhà ra đến ngoài ngõ.
Được biết, hiện nay Tuyên Quang đã có 1254 mô hình tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa với gần 1800 tổ nhóm tự quản. Nhiều mô hình xử lý rác hoạt động nề nếp, phát huy hiệu quả tại các khu dân cư trên địa bàn.
Tại Hội nghị biểu dương mô hình tự quản ở khu dân cư thực hiện Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” của tỉnh Tuyên Quang tổ chức ngày 4-8-2021, 37 tập thể, 23 cá nhân đã được Chủ tịch UBND và Ủy ban MTTQ thành phố tặng Giấy khen trong thực hiện tốt phong trào trên.
Cần sớm có cơ chế, chính sách phù hợp
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai thành công phong trào xử lý rác thải và chống rác thải nhựa, ông Nguyễn Hưng Vượng - Trưởng ban Dân vận - Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Tuyên Quang cho biết, Mặt trận và các tổ chức thành viên phải làm tốt công tác phối hợp, trong đó xác định các công việc cụ thể, làm tốt việc tham mưu với cấp Uỷ, đưa việc xử lý rác thải và chống rác thải nhựa vào các buổi sinh hoạt Chi bộ định kỳ.
Cán bộ MTTQ xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn người dân phân loại rác thải
Thành công là vậy, nhưng để phong trào ý nghĩa này đủ sức lan toả và phát triển bền vững, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Tuyên Quang đề nghị với chính quyền và các ngành chức năng sớm có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ và tạp điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia thu gom rác thải nhựa để có thể nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả, tạo sự lam toả rộng dãi ở cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị biểu dương mô hình tự quản ở khu dân cư thực hiện Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, Bí thư Thành ủy tỉnh Tuyên Quang Tạ Đức Tuyên nhấn mạnh: Đây là phong trào quan trọng, ý nghĩa; là một nội dung quan trọng được Tỉnh ủy lựa chọn là việc đổi mới, đột phá, thành phố cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm thường xuyên, quyết liệt, cần có sự hỗ trợ thực hiện và có giải pháp khắc phục ngay khi có vấn đề về môi trường nảy sinh ở cơ sở, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện phong trào.
Theo Bí thư Thành ủy tỉnh Tuyên Quang, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức của công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nhân dân; thường xuyên tuyên truyền tại những nơi dễ bị ô nhiễm môi trường như: Khu bờ hồ, công viên, chợ…; phát huy tính tự quản, tự giác và trách nhiệm của các thành viên Ban công tác mặt trận, tổ, nhóm tự quản; tích cực tìm nguồn hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường…
Để chung tay xử lý rác thải, và chống rác thải nhựa, phải bắt đầu từ nhận thức của mỗi cá nhân. Từ đó xây dựng phong trào bền vững, nhân lên "giá trị xanh” cho cuộc sống.
Ngọc Anh
Nguồn Quản lý Môi trường