Không gian xanh ở Trường Sa

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/9/2021 | 3:27:07 Chiều

Cùng với việc đẩy mạnh Phong trào thi đua Quyết thắng, nâng cao chất lượng huấn luyện SSCĐ, các đơn vị đóng quân trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa còn tích cực thi đua xây dựng đơn vị chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp, tạo ra không gian đầy sức sống giữa biển khơi.

Trở lại thăm Trường Sa lần này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi tích cực ở nơi đây. Từ doanh trại, nhà kho đến công viên, vườn hoa được đầu tư xây dựng, tu sửa khang trang, sạch đẹp. Những cây cảnh được chăm sóc, cắt tỉa gọn gàng, khuôn viên, bảng tin, pano, khẩu hiệu được bộ đội tự tay thiết kế rất chính quy và bắt mắt. Những con đường bê tông phẳng lỳ ẩn dưới màu xanh mướt của những tán cây bàng quả vuông, phong ba, dừa... Hoa lan, hoa giấy, hoa sứ, mười giờ... đua nhau khoe sắc trong nắng vàng.
Thượng tá Nguyễn Như Tuyến, Chính trị viên đảo Sơn Ca vừa dẫn chúng tôi tham quan vòng quanh đảo vừa chia sẻ: "Chúng tôi xác định, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp là tiêu chí quan trọng của đơn vị. Vì vậy, cùng với việc phát động thi đua huấn luyện giỏi, SSCĐ cao, đơn vị còn phát động phong trào xây dựng đơn vị sáng, xanh, sạch, đẹp với những nội dung chỉ tiêu cụ thể và sát với tình hình nhiệm vụ. Đoàn thanh niên tổ chức cho đoàn viên thanh niên xung kích chăm sóc cây xanh và làm đẹp cảnh quan môi trường trên đảo”.
Khong_gian_xanh_o_Truong_Sa_1
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca trồng cây xanh tại Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Để có được các loại cây trồng phong phú về chủng loại, trên các đảo cây cối phát triển tốt, chỉ huy đảo tổ chức xây dựng vườn ươm để nhân giống các loại cây, sau đó gửi theo tàu đến trồng và chăm sóc tại các đảo khác. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trước khi hoàn thành nhiệm vụ tại đảo đều chủ động chiết, nhân giống từ 1 đến 2 cây để trồng tặng đảo. Đoàn cơ sở Lữ đoàn khuyến khích mỗi đoàn viên, thanh niên khi ra đảo thực hiện nhiệm vụ mang theo hạt giống các loài hoa và cây cảnh để ươm. Đơn vị tổ chức trồng trong dịp Tết trồng cây đầu năm và các ngày lễ lớn của đất nước. Các tập thể, cá nhân và các đoàn công tác khi ra thăm đảo cũng mang cây xanh ra để trồng lưu niệm, góp phần tạo nên không gian xanh đầy sức sống.
Ở các đảo chìm, không gian sinh hoạt hạn chế, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, vì vậy, việc trồng, chăm sóc cây cối và rau xanh gặp rất nhiều khó khăn. Các đảo phải tận dụng góc nhỏ của khuôn viên để trồng rau xanh, tổ chức che chắn rất kín đáo và cẩn thận để vừa bảo đảm được rau xanh, cải thiện bữa ăn cho bộ đội vừa xây dựng đơn vị chính quy, sạch, đẹp.
Cây xanh ở đây được cán bộ, chiến sĩ trồng và chăm sóc cũng rất sáng tạo. Các loại cây, loại hoa được trồng trong chậu, sắp xếp ngay ngắn, có gắn biển "Vườn hoa thanh niên". Đây không phải là vườn hoa cố định một vị trí mà là những "vườn hoa di động", sẽ được di chuyển đến các vị trí khác nhau theo từng mùa để tránh sóng và gió biển.
Trong không gian xanh mát của những cung đường thanh niên trên đảo Nam Yết, chúng tôi gặp Trung tá Vũ Xuân Trường, Bí thư Liên chi đoàn cùng các chiến sĩ đang ngồi nghỉ sau giờ huấn luyện, anh chia sẻ: Liên chi đoàn thường xuyên thực hiện ngày thứ Bảy tình nguyện và ngày Chủ nhật xanh, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tổng dọn vệ sinh, thu gom rác thải, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên đơn vị.
Liên chi đoàn đảo Nam Yết thường xuyên phát huy tinh thần sáng tạo "khéo tay, hay làm" của cán bộ, đoàn viên để xây dựng những bảng tin, chậu hoa, cây cảnh. Các hoạt động này không chỉ tạo không gian xanh, xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị sạch, đẹp mà còn giáo dục cho cán bộ, đoàn viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống, giữ gìn màu xanh của biển.
Khong_gian_xanh_o_Truong_Sa_2
Đoàn viên, thanh niên đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hưởng ứng Tết trồng cây đầu năm mới
Cùng với việc chăm sóc cây xanh, xây dựng đơn vị xanh, sạch, đẹp, các đơn vị đóng quân trên huyện đảo Trường Sa còn làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Do đặc thù hoạt động ở môi trường biển, đảo, vì vậy lượng rác thải rắn từ những vỏ đồ hộp rất nhiều. Ngoài ra, rác thải từ các nguồn khác bị sóng biển đánh dạt vào đảo tạo thành những bãi rác trên các bãi cát, bờ kè. Rác thải rắn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo tổ chức thu gom, phân loại, đóng thành bao, tập kết tại một vị trí để sau đó chuyển vào đất liền xử lý hoặc tái chế. Rác thải hữu cơ được phân loại, chôn ủ làm phân cải tạo đất, phục vụ tăng gia và trồng cây trên đảo.
Cuối ngày làm việc, chúng tôi bắt gặp tốp chiến sĩ đang cắt tỉa, tạo dáng cho những cây xanh, hoa giấy và phong lan. Tiếng kéo lách cách hòa với tiếng sóng biển dạt dào và tiếng cười đùa làm nhộn nhịp cả một góc sân. Ngừng tay kéo, lau vội những giọt mồ hôi trên má, Trung sĩ Nguyễn Công Hậu, Chiến sĩ đảo Nam Yết khoe: "Trước khi nhập ngũ, ở nhà em đã từng chơi cây cảnh rồi. Ra đây, em được chỉ huy đảo tin tưởng giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội chăm sóc cây xanh. Chúng em luôn coi cây xanh như những người bạn thân sau giờ huấn luyện; cắt tỉa cây cảnh giúp chúng em thư giãn và cảm thấy gần gũi với cuộc sống quê nhà, từ đó thêm gắn bó với biển, đảo hơn. Em rất vui vì đã góp một phần công sức để xây dựng cảnh quan, môi trường của đảo thêm sạch, đẹp”.
Giữa muôn trùng biển khơi, từ đảo nổi đến đảo chìm, nơi đâu cũng hiện hữu màu xanh tươi tốt của cây cối xen lẫn những công trình mái ngói đỏ tươi. Để có được không gian xanh, sạch, đẹp như hôm nay là biết bao công sức của các thế hệ cán bộ và chiến sĩ. Những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua xây dựng doanh trại chính quy "xanh, sạch, đẹp” của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 đã góp phần xây dựng đơn vị "mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân", hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm được giao.

Nguyễn Ninh 
Nguồn Báo Hải quân Việt Nam

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.