Quảng Ninh: Ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/9/2021 | 4:27:21 Chiều

Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc, là lợi thế quan trọng để Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản. Những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn.

Từ tháng 9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể hóa chỉ thị này, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên qua đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhằm siết chặt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trên cơ sở đó, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt ven bờ; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi khai thác thủy sản trái phép.
quang-ninh-phat-trien-nganh-thuy-san-theo-huong-ben-vung-gan-voi-bao-ve-moi-truong-bien-1
Thường xuyên thực hiện kiểm tra kết hợp với tuyên truyền để người dân có thể nắm rõ và thực hiện nghiêm các quy định của tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh minh họa
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền cho hàng nghìn ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển. Năm 2020 và 8 tháng qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện trên 1.800 vụ tàu cá vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó thu phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng.
Tỉnh cũng thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, yêu cầu các chủ tàu phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu kẻ vẽ biển số và cấp giấy phép khai thác; hướng dẫn chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát tàu từ 15m trở lên; điều tra các vi phạm về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho 204/232 tàu (đạt gần 90%); kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận ATTP cho 208/232 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (đạt 90%). Đặc biệt, từ việc áp dụng các thiết bị công nghệ thông tin cho tàu cá hoạt động trong địa bàn, cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tra cứu cập nhật trên phần mềm giám sát tàu cá, liên lạc trực tiếp qua các phương tiện để cảnh báo cho 3.000 lượt ngư dân, yêu cầu ngư dân chấm dứt tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm 2021 đến nay, không có tàu cá và ngư dân của tỉnh bị lực lượng nước ngoài bắt giữ.
Để bảo tồn nguồn lợi thủy sản bền vững trên địa bàn, tỉnh đã lập, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm, trên cơ sở đó từng bước khôi phục các hệ sinh thái gắn với quy hoạch khác cũng như định hướng phát triển của tỉnh. Trong đó, chú trọng tăng cường bảo vệ và tái tạo các hệ, rạn san hô hiện đang phát triển tại Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - đảo Trần; từng bước thả rạn nhân tạo kết hợp trồng phục hồi san hô, sản xuất giống để thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng theo hướng giảm diện tích nuôi trồng thủy sản nội địa, mở rộng diện tích nuôi trên biển phù hợp với quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản…

Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.