Những đám mây có tính phản xạ tốt và lơ lửng ở độ cao thấp phía trên khu vực Đông Thái Bình Dương đang giảm trong vài năm gần đây, theo dữ liệu vệ tinh thuộc dự án CERES của NASA. Tại khu vực này, nhiệt độ mặt biển đang tăng lên.
Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu trong hàng chục năm quan sát hiện tượng ánh đất (earthshine) - ánh sáng phản chiếu từ Trái Đất làm sáng bề mặt Mặt Trăng, kết hợp với dữ liệu vệ tinh và phát hiện độ phản xạ của Trái Đất giảm trong hai thập kỷ qua, Live Science hôm 3/10 đưa tin. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Geophysical Research Letters.
Trái Đất hiện phản xạ ít hơn khoảng 0,5 watt ánh sáng trên mỗi m2 so với 20 năm trước, phần lớn sự sụt giảm này diễn ra trong ba năm cuối của kho dữ liệu về ánh đất. Điều này tương đương với độ phản xạ của Trái Đất giảm 0,5%. Thông thường, Trái Đất phản xạ khoảng 30% ánh sáng Mặt Trời chiếu tới.
"Sụt giảm độ phản xạ là điều khá bất ngờ với chúng tôi khi phân tích dữ liệu ba năm cuối, sau 17 năm độ phản xạ gần như không đổi", Philip Goode, chuyên gia tại Viện Công nghệ New Jersey, tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết. Dữ liệu này do Đài thiên văn Mặt Trời Big Bear ở Nam California thu thập trong giai đoạn 1998 - 2017.
Nhiệt độ mặt biển đang tăng lên, có khả năng liên quan đến biến đổi khí hậu. Ảnh: Internet
Hai yếu tố ảnh hưởng đến lượng ánh nắng cuối cùng chạm tới Trái Đất là độ sáng của Mặt Trời và độ phản xạ của hành tinh xanh. Thay đổi trong độ phản xạ của Trái Đất mà nhóm nghiên cứu quan sát được không tương ứng với những thay đổi định kỳ về độ sáng của Mặt Trời. Điều này đồng nghĩa rằng sự thay đổi về độ phản xạ do chính yếu tố nào đó trên Trái Đất gây ra.
Cụ thể, những đám mây có tính phản xạ tốt và lơ lửng ở độ cao thấp phía trên khu vực Đông Thái Bình Dương đang giảm trong vài năm gần đây, theo dữ liệu vệ tinh thuộc dự án CERES của NASA. Tại khu vực này, nhiệt độ mặt biển đang tăng lên, có khả năng liên quan đến biến đổi khí hậu.
Sụt giảm độ phản xạ cũng khiến hệ thống khí hậu của Trái Đất giữ lại nhiều năng lượng Mặt Trời hơn. Khi tích tụ trong khí quyển và đại dương, phần năng lượng bổ sung này có thể góp phần làm nghiêm trọng thêm tình trạng ấm lên toàn cầu.
"Điều này thực sự đáng lo ngại. Nhiều nhà khoa học từng hy vọng rằng Trái Đất ấm lên có thể tạo ra nhiều mây hơn và tăng độ phản xạ, giúp làm dịu sự ấm lên và cân bằng lại hệ thống khí hậu. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy điều ngược lại mới đúng", Edward Schwieterman, nhà khoa học hành tinh tại Đại học California Riverside, chia sẻ.
Ngọc Anh (T/h)
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.