Chính sách quản lý chất thải nhựa

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/10/2021 | 10:06:55 Sáng

Việt Nam đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hằng năm. Năm 2018 tại Hội nghị Thượng đỉnh G17 (Canada). Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề nhựa trên biển.

Chính sách quản lý chất thải nhựa
Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Ảnh: ITN

Tổng quan về chất thải nhựa tại Việt Nam

Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hằng năm. Chất thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sự phát triển bền vững quốc gia. Với mỗi túi nilon hoặc mảnh nhựa, cần khoảng thời gian trung bình từ 200 năm đến 300 năm để phân hủy, do đó, khi tồn tại ngoài môi trường chất thải nhựa làm trầm trọng hơn vấn đề ô nhiễm môi trường, là nguyên nhân gây ra cái chết đau đớn cho các loài động vật đặc biệt là các loài động vật biển, chim biển, gây nên những hệ quả khôn lường về sự tồn tại của các giống loài và sự cân bằng sinh thái…. 

Nhận thức được tác hại của chất thải nhựa gây ra, năm 2018, Liên Hợp quốc đã phát động phong trào giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon. Năm 2019, tại Diễn đàn kinh tế thế giới, nguyên thủ các nước và lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về chống chất thải nhựa. Ngày 25 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư kêu gọi cả nước hành động giải quyết vấn đề chất thải nhựa. Nhận thức được sứ mệnh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc về xử lý rác thải nhựa và rác thải biển. 

Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề nhựa trên biển. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có các hoạt động thiết thực, hiệu quả để giảm thiểu và chống chất thải nhựa như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hội An, Liên minh chống chất thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam…

Chất thải nhựa hiện nay chủ yếu nằm trong chất thải rắn (CTR). Việc quản lý chất thải nhựa không tách khỏi việc quản lý CTR và có thể thấy là chất thải nhựa trong CTRSH là vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay. 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị là 85,5% (khoảng 32.000 tấn/ngày) do các công ty môi trường đô thị thực hiện, ngoài ra còn có hệ thống thu gom không chính thức (hệ thống đồng nát); còn tỷ lệ thu gom CTRSH ở nông thôn từ 45% đến 55% (khoảng 14.200 tấn/ngày) lượng rác còn lại được vứt trên đường, dòng sông, cánh đồng hoặc các bãi tập kết rác tự phát.

Hiện nay chưa có thống kê chính thức về toàn bộ chất thải nhựa cũng như CTR ở nước ta. Tuy nhiên theo thống kê của Bộ Xây dựng tại các bãi chôn lấp chất thải ở một số đô thị lớn (Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, và Bắc Ninh) cho thấy: tỷ lệ rác thải nhựa giao động từ 12% đến 16%, đứng thứ 2 sau rác thải hữu cơ (giao động từ 55% đến 68%) còn lại là các loại rác khác như giấy đứng thứ 3 giao động từ 4% đến 8%. Như vậy lượng rác thải nhựa, qua rất nhiều lần thu gom phân loại bởi hệ thống thu gom phi chính thức (mà ta thường gọi là đồng nát) và được thu gom phân loại bởi các công ty môi trường đô thị thì rác thải nhựa còn lại đem chôn lấp vẫn còn rất lớn, đứng thứ 2 sau chất thải hữu cơ, chủ yếu là rác thải nhựa không thể tái chế như túi, bao bì nilon, chai nhựa bẩn….

Các phương pháp xử lý rác thải chủ yếu được sử dụng ở nước ta bao gồm: Công nghệ chôn lấp (806 bãi chôn lấp) (69% không đạt yêu cầu vệ sinh (lộ thiên, không có lớp lót, không thu gom nước, khí rỉ, không phủ bề mặt, không xử lý hóa chất; phần lớn đã quá tải), 132 bãi chôn lấp là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng); Công nghệ sản xuất phân bón compost (45 cơ sở); Công nghệ đốt (217 cở sở); Các công nghệ khác như điện rác hiện đã đi vào hoạt động ở số lượng rất hạn chế (một nhà máy điện rác chât thải rắn công nghiệp 75 tấn/ngày, một nhà máy điện rác chất thải sinh hoạt 400 tấn/ngày).

Tỷ lệ xử lý: khoảng 63% chất thải thu gom được đưa đến các bãi chôn lấp và 22% (khoảng 14,000 tấn/ ngày) được đưa đến các cơ sở xử lý khác nhau (tái chế chiếm 10%, ủ phân compost 4%, đốt rác 14%).
Như vậy, hoạt động xử lý CTRSH ở nước ta hiện nay là đem đi chôn lấp, việc tái chế, tái sử dụng chiếm tỉ lệ rất nhỏ và phụ thuộc phần lớn vào việc nhặt phế liệu có thể tái chế của hệ thống thu gom phế liệu không chính thức.

Các quy định hiện hành về quản lý chất thải và chất thải nhựa

Theo quy định của pháp luật hiện hành, CTR hiện đang được quản lý theo các quy định về chất thải nguy hại (CTNH), CTRSH, CTR công nghiệp thông thường và các chất thải đặc thù khác như chất thải từ hoạt động y tế, CTR từ hoạt động xây dựng, chất thải từ hoạt động nông nghiệp, chất thải từ hoạt động giao thông vận tải. 

Trong các loại CTR nêu trên, trách nhiệm quản lý nhà nước về chất thải nguy hại đã được giao thống nhất trên phạm vi toàn quốc cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, bộ có trách nhiệm quy định về danh mục, mã và ngưỡng CTNH; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý về phân định, phân loại, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng; quy định trình tự, thủ tục đăng ký chủ nguồn thải CTNH; cấp và thu hồi Giấy phép xử lý CTNH; kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới CTNH theo Công ước Basel…

Đối với CTR công nghiệp thông thường và các loại chất thải đặc thù khác như chất thải từ hoạt động y tế, chất thải từ hoạt động nông nghiệp, CTR từ hoạt động xây dựng… đang có sự tham gia quản lý nhà nước của nhiều bộ, cơ quan liên quan theo nguyên tắc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý chung, các bộ liên quan quản lý chuyên ngành kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định.

Đối với CTRSH hiện đang những giao thoa về trách nhiệm quản lý giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, chưa rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính. Điều đó đã dẫn đến những tồn tại, bất cập, khó khăn trong quản lý nhà nước ở cả cấp độ trung ương và địa phương, trong đó có sự chồng chéo, bỏ trống, phân đoạn trong quản lý CTRSH. Thống kê các nhiệm vụ chủ yếu của các bộ về quản lý CTR tại Phụ lục kèm theo.

CTRSH đã được Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định việc phân loại tại nguồn, lưu giữ, vận chuyển và xử lý tương đối cụ thể, tuy nhiên, pháp luật giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại CTRSH phù hợp với địa phương, do vậy trên thực tế việc phân loại rác còn chưa được thực hiện mặc dù hiện nay, một số thành phố lớn đã bước đầu thực hiện nhiệm vụ này, nhưng chưa có kết quả cụ thể.

CTRSH được quy định phân loại thành ba nhóm gồm: Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và nhóm còn lại. CTRSH sau khi được phân loại được lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp. Việc phân loại CTRSH phải được quản lý, giám sát, tuyên truyền và vận động tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành theo quy định, bảo đảm yêu cầu thuận lợi cho thu gom, vận chuyển và xử lý. 

Quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh CTRSH: Phân loại rác tại nguồn theo quy định, nộp phí vệ sinh, quy định về bảo vệ môi trường trong xử lý rác thải sinh hoạt. 

Quy định về cách thức thu gom, vận chuyển CTRSH, trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển CTRSH; lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH; yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý CTRSH. 


Cơ chế quản lý CTR và phế liệu hiện nay

Các văn bản quy định về quản lý chất thải:

Luật bảo vệ môi trường Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 04 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP). 

Quyết định 73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

Quyết định 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Thông tư 41/2015/TT-BTNMT ngày 09/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT, Thông tư 08/2018/TT-BTNMT, Thông tư 08/2018/TT-BTNMT).

Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Như vậy, có thể thấy quy định về quản lý CTR ở nước ta đã tương đối đầy đủ, tuy nằm ở nhiều văn bản khác nhau nhưng đã quy định được các vấn đề cơ bản trong quản lý chất thải bao gồm: phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tái chế, tái sử dụng, chôn lấp, thiêu hủy…

Tuy nhiên, các quy định nêu trên chưa thành một hệ thống thống nhất để có thể vận hành hệ thống xử lý, tái chế chất thải ở nước ta, cụ thể như sau:

- Đánh trống bỏ dùi: Pháp luật do cơ quan ở Trung ương ban hành khá đầy đủ về quản lý chất thải, đặc biệt là CTRSH, nhưng lại quy định giao cho địa phương tùy vào đặc thù của mình để hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phân loại, thu gom CTRSH. Như vậy dẫn đến tình trạng có tỉnh thực hiện việc phân loại và thu gom, có tỉnh thì không thực hiện; nếu không thực hiện thì cũng không phát sinh bất cứ trách nhiệm quản lý cũng như pháp lý nào. Do vậy, thực tế hiện nay, toàn bộ các tỉnh, thành phố của nước ta từ khi có Luật bảo vệ môi trường đến nay chưa thực hiện việc phân loại rác và thu gom rác theo đúng quy định. Đến nay một số địa phương mới thực hiện thí điểm ở một vài quận, huyện. Hệ thống thu gom tái chế phi chính thức: Với tình trạng phân loại, thu gom chất thải nêu trên đã đẩy mạnh sự phát triển hệ thống thu gom chất thải phi chính thức (hệ thống đồng nát), đồng thời, mạng lưới của hệ thống này được tổ chức rất chặt chẽ trong việc thu gom cũng như phân phối chất thải có thể tái chế (cho các cơ sở tái chế nhỏ lẻ, làng nghề), dẫn đến tình trạng tuy chất thải tái chế được thu gom nhiều nhưng sự tập trung không cao, nên khó có điều kiện phát triển cơ sở tái chế chất thải lớn ở nước ta.

- Cạnh tranh không lành mạnh: Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý, tái chế chất thải còn chưa thống nhất, thực hiện không nghiêm dẫn đến tình trạng cơ sở tái chế ở các làng nghề thủ công phát triển rất mạnh nhưng nhỏ lẻ có lợi thế cạnh tranh vì yêu cầu bảo vệ môi trường không cao, việc thực hiện không nghiêm nên đầu tư bảo vệ môi trường đối với các cơ sở này không được thực hiện tốt, do vậy các cơ sở xử lý, tái chế lớn với yêu cầu bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, khó có khả năng cạnh tranh.

- Lợi dụng chính sách ưu đãi: Mặc dù có rất nhiều cơ chế ưu đãi cho cơ sở thu gom, tái chế chất thải được quy định trong Nghị định số 19/2015/NĐ-CP nhưng các quy định này khó được thực hiện vì cần phải có hướng dẫn cụ thể. Nếu được thực hiện, thì luôn bị các chủ dự án lợi dụng để được cấp quyền sử dụng đất, hưởng thuế ưu đãi để thực hiện các dự án khác.

- Ý thức vệ sinh môi trường thấp: Mặc dù có quy định về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại, thu gom CTRSH nhưng với cách làm như trên của các địa phương thì người dân không mặn mà lắm với việc bảo vệ môi trường.

Với khoản phí hằng tháng bỏ ra rất nhỏ4, người dân bỏ mặc cho công nhân vệ sinh môi trường thu gom chất thải, không có ý thức bỏ rác đúng nơi, đúng giờ quy định.

Thói quen sử dụng túi nilon đã hình thành và dường như đã trở thành tập quán, sở thích do sự tiện lợi, giá cả rẻ mạt thậm chí không mất đồng nào mà vẫn có túi nilon để dùng nên họ sẵn sàng sử dụng và thải bỏ một cách bừa bãi, không để ý đến tác hại của túi nilon.

- Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất lỏng lẻo: Quy định trách nhiệm của nhà sản xuất trong thu hồi sản phẩm thải bỏ sau sử dụng còn mang tính tự nguyện, chưa đặt ra tỷ lệ thu hồi, chưa có biện pháp xử lý hoặc cưỡng chế trong trường hợp vi phạm; chưa có cơ chế tài chính để thúc đẩy trách nhiệm của nhà sản xuất và hỗ trợ chi phí thu gom cũng như trợ giá đối với sản phẩm tái chế. Do vậy, chưa thể xuất hiện hệ thống EPR (Extended Producer Responsibility) ở Việt Nam.

Với những nguyên nhân nêu trên, thì thị trường tái chế chất thải ở nước ta được hình thành nhưng phát triển không bình thường. Đó là hệ quả tất yếu của việc cạnh tranh không lành mạnh trong thu gom, xử lý, tái chế chất thải; trong thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường đối với việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải; trong ưu đãi, hỗ trợ hoạt động thu gom, tái chế; sự bất bình đẳng trong xác định giá và trợ giá đối với sản phẩm từ tái chế…

- Riêng đối với quản lý chất thải nhựa: như đã đề cập ở trên, thì chất thải nhựa hiện nay được đối xử như tất cả các loại CTR khác. Tuy nhiên, với số lượng lớn, khả năng gây hại cao và nhiều đặc tính khác như bền vững, có thể tái chế, … thì pháp luật nước ta còn chưa có quy định đầy đủ để quản lý rác thải nhựa một cách hiệu quả:

+ Chưa có quy định về phân loại các loại nhựa, kể cả trong sử dụng làm nguyên liệu cũng như trong phân loại, tái chế rác thải nhựa: chưa xác định nhựa có thể tái chế, tái chế nhiều lần; nhựa dùng một lần; nhựa siêu nhỏ; hạt nhựa; nhựa phân rã… Nên không có chính sách để quản lý phù hợp: chưa có quy định cấm, quy định hạn chế, quy định phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng; chưa có quy chuẩn bảo vệ môi trường đối với chất thải nhựa.

+ Mặc dù đã tăng mức thuế đối với sản xuất và sử dụng túi ninlon nhưng thực thi chưa nghiêm và chưa có tác dụng hạn chế túi nilon trên thực tế.

+ Không thực hiện quản lý chất thải nhựa theo vòng đời của sản phẩm nhựa: Nguyên liệu → sản xuất → phân phối → tiêu dùng → thải bỏ → phân loại → thu gom → tái sử dụng, tái chế, chuyển đổi, xử lý, đốt, chôn lấp → nguyên liệu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý chất thải nhựa 

Năm 2018, Bộ đã hỗ trợ, cùng chung tay thành lập "Liên minh chống rác thải nhựa”, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam - PRO Vietnam.

Vào sáng ngày 9/6/ 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức tại Lễ ra quân phong trào chống rác thải nhựa, tại cuộc họp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các Bộ, ngành, địa phương và người dân trên toàn quốc hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.

Ngày 11/9/ 2019, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và các thành viên của Liên Minh tái chế Bao bì Việt Nam (Packaging Recycling Organzation Viet Nam - PRO Việt Nam) đã ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua các hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải. 

Ngày 03/02/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP, thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Hiện nay, Bộ đã xây dựng hoàn thiện Báo cáo kết quả rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nằm thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR để thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP của Chính phủ nêu trên.

Hiện nay, Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị Tăng cường giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa, theo đó chỉ thị các bộ, ngành địa phương thực hiện nhiều biện pháp có tính tổng thể để thực hiện việc giảm thiểu chất thải nhựa như: Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa; Thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành tài nguyên và môi trường; Hợp tác quốc tế và đa đạng hóa các nguồn vốn cho hoạt động quản lý chất thải nhựa.

Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: sửa đổi về quản lý CTR, trong đó xây dựng chính sách coi rác thải là tài nguyên; xây dựng cơ chế để hình thành hệ thống thu gom, thu hồi sản phẩm thải bỏ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, chôn lấp chất thải, giảm thiểu chất thải trong đó có giảm thiểu chất thải nhựa.

Một số đề xuất hạn chế rác thải nhựa

Trong lần sửa Luật Bảo vệ môi trường này, cần thiết phải đưa nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên, thực hiện tuần hoàn tài nguyên, đây chính là cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn, muốn như vậy phải có các chế định sau:

- Chế định về coi chất thải là tài nguyên. Các chất thải này bao gồm các chất thải nguy hại có thể tái chế, chất thải công nghiệp thông thường, rác thải sinh hoạt. Cần xây dựng hai chế định riêng về rác thải hữu cơ và rác thải nhựa.

- Chế định thu phí rác thải dựa trên khối lượng: chấm dứt việt thu phí theo đầu người hoặc theo hộ gia đình như hiện nay, cần thực hiện thu phí rác thải dựa trên khối lượng. Xả rác nhiều thì trả tiền nhiều, trừ các trường hợp chất thải có thể tái chế, tái sử dụng. Rác thải hữu cơ được đánh một mức phí khác.

- Chế định về phân loại, thu gom chất thải và rác thải sinh hoạt: quy định phân loại rác thải tại nguồn thành ít nhất 3 loại rác thải: rác hữu cơ; rác thải có thể tái chế; các loại rác khác; quy định thu gom từng loại rác thải theo ngày. Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức thu gom rác thải rắn sinh hoạt.

- Chế định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải: Quy định này liên quan đến trách nhiệm phân loại, tái chế, tái sử dụng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình; quy định về dán nhãn tái chế, tái sử dụng, các cơ chế để thực hiện việc tái chế tái sử dụng.

- Chế định về EPR (Extended Producer Responsibility) mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong thu hồi sản phẩm thải bỏ sau sử dụng. Theo đó quy định các loại sản phẩm phải thu hồi sau sử dụng, tỷ lệ thu hồi bắt buộc, trách nhiệm thu hồi hoặc quy định một khoản phí mà nhà sản xuất phải nộp để tổ chức việc thu hồi; quy định về hỗ trợ tài chính cơ sở thu gom và cơ sở tái chế sản phẩm thải bỏ; cơ chế giám sát vận hành việc thu hồi, hỗ trợ thu gom và tái chế sản phẩm thải bỏ sau sử dụng.

- Quy định về quản lý chất thải nhựa:

+ Quản lý nhựa và chất thải nhựa theo vòng đời sản phẩm từ giai đoạn sử dụng nguyên liệu, quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thải bỏ, thu hồi và xử lý để tao ra nguyên liệu.

+ Chế định về phân loại các loại nhựa và việc thu gom tái chế chất thải nhựa. (PET là nhựa an toàn có thể tái chế nhiều lần thì có cơ chế thu gom, xử lý, tái chế khác với các loại nhựa khác)

+ Xây dựng hàng rào kỹ thuật về môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa và túi nilon để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; tiến tới không sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón.... Rà soát, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật gắn nhãn sinh thái đối với túi ni-lông thân thiện môi trường.

Việc tái chế chất thải cần được xã hội hóa triệt để, hoạt động này chỉ có thể thực hiện được một cách bền vững và hiệu quả nếu để khu vực tư nhân thực hiện.

Nhà nước chỉ đóng vai trò thu gom rác thải sinh hoạt (Ủy ban nhân dân các cấp) và xây dựng cơ chế, chính sách để vận hành; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nếu cần thiết.

Để vận hành được hệ thống thu phí dựa trên chất thải và hệ thống EPR cần phải có các tổ chức sau, theo mô hình như hình dưới đây:


Mô hình thu hồi, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ

Hoàn thiện quy định về thuế, phí, xử lý vi phạm liên quan đến CTR, chất thải nhựa:

- Thuế đối với túi nilon tuy có tăng nhưng chưa đạt được hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu thay đổi thói quen người tiêu dùng. Cần tính toán thêm chi phí thay đổi thói quen người tiêu dùng để đánh thuế sao cho muốn sử dụng túi nilon dùng một lần thì phải trả tiền.

- Hoàn thiện phí thu gom, xử lý rác thải, việc định lượng phải căn cứ vào khối lượng và loại rác thải.

- Thực hiện việc giám sát và xử lý vi phạm hành chính, xử lý bằng các biện pháp phù hợp đối với hành vi vứt rác bừa bãi.

Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng vật liệu, sản phẩm thay thế vật liệu, sản phẩm nhựa. Hiện nay, có rất nhiều chất liệu đã được phát triển để thay thế vật liệu nhựa. Nhiều sản phẩm đã được sản xuất để thay thế sản phẩm từ nhựa tuy nhiên giá thành còn cao do vật liệu và công nghệ sản xuất còn đắt đỏ, vì vậy, cần thiết phải có sự hỗ trợ tài chính và hỗ trợ về phát triển hình ảnh đối với nhà sản xuất, nhà ứng dụng các vật liệu, sản phẩm này để khuyến khích phát triển.

Hiện nay, các công ty sản xuất nước đóng chai, các công ty sử dụng bao bì nhựa (xà phòng, nước tẩy rửa …) đã tích cực phát triển các thiết kế nhằm giảm thiểu việc sử dụng chất liệu nhựa, khuyến khích người tiêu dùng tái sử dụng các chai nhựa để đựng xà phòng, nước tẩy rửa… những hoạt động này không chỉ đem lại lợi ích cho nhà sản xuất nhờ tiết kiệm chi phí mà người tiêu dùng cũng được lợi và môi trường cũng được bảo vệ khỏi chất thải nhựa.

Công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các tổ chức quốc tế phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế, tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa.... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác tại nguồn tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với rác thải hữu cơ.

- Vai trò của các công ty, tập đoàn lớn sản xuất về nước đóng chai, các cơ sở sản xuất, kinh doanh bao bì trong việc định hướng người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về việc thu gom, tái chế, tái sử dụng bao bì, chai nhựa, vỏ lon, chai thủy tinh; thực hiện các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.

- Hợp tác công tư trong nâng cao nhận thức cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng tiếp nhận. Việc tuyên truyền này phải có chiến lược và chiến dịch lâu dài, rõ ràng và có trọng tâm, có kịch bản để định hướng cộng đồng.

Nguyễn Thi
Vụ Pháp chế
Bộ TN&MT
Nguồn Quản lý Môi trường


  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.