Bạc Liêu phát triển nghề nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường
- Cập nhật: Thứ tư, 3/11/2021 | 4:15:49 Chiều
Để hài hòa giữa việc phát triển kinh tế gắn liền với BVMT trong nuôi tôm siêu thâm canh, các cấp chính quyền tỉnh Bạc Liêu luôn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo để doanh nghiệp, người nuôi tôm nhận thức rõ vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu.
Tỉnh Bạc Liêu có 139.780 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng 200.000 tấn/năm gồm nhiều mô hình nuôi như: tôm thẻ siêu thâm canh; tôm sú, tôm thẻ thâm canh và bán thâm canh; mô hình kết hợp tôm-lúa; mô hình quảng canh cải tiến kết hợp....
Trong các mô hình hiện nay, nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội. Đây là mô hình có tỷ lệ thành công trên 70%, năng suất bình quân hơn 22 tấn/ha/năm, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ lớn, chất lượng tôm đảm bảo... Mô hình này phát triển mạnh ở các địa phương ven biển như: thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải.
Vì vậy, để hướng đến việc phát triển mang tính bền vững, hài hòa giữa việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh, các cấp chính quyền tỉnh Bạc Liêu luôn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo để doanh nghiệp, người nuôi tôm nhận thức rõ và đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng siết chặt quản lý về môi trường, xem đó như một giải pháp cần thiết để bảo vệ ngành nuôi tôm của tỉnh phát triển bền vững.
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 30 công ty, doanh nghiệp nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, trong số này Tập đoàn Việt - Úc (khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu), Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Long Mạnh (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Long An - Bạc Liêu (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình), Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P, Chi nhánh Bạc Liêu (xã Vĩnh Thịnh, Huyện Hoà Bình)... là những đơn vị có qui mô lớn tầm cỡ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cũng có 500 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh với gần 3.000 ha, sản lượng thu hoạch năm 2020 đạt 47.500 tấn.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, với sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền các cấp, các hộ nuôi tôm ngày càng ý thức hơn trong việc xử lý chất thải và bảo vệ môi trường sản xuất. Mặc dù chi phí đầu tư theo hệ thống nuôi kết hợp khu xử lý chất thải khá tốn kém nhưng người nuôi vẫn sẵn sàng chấp nhận vì lợi ích lâu dài của nghề tôm.
Hiện nay, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao theo hướng thân thiện với môi trường được các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng theo hình thức khép kín. Đó là khu nuôi được bố trí theo hệ thống gồm: ao ương dưỡng, ao tôm thịt, ao lắng; khu xử lý chất thải được đầu tư hoàn chỉnh để xử lý chất thải triệt để. Cụ thể, nước thải trong ao nuôi được dẫn về hố tách chất thải qua túi lọc lưới; phân tôm có kích thước nhỏ nên lọt qua túi lưới đi vào hệ thống biogas, vỏ tôm sau khi được tách hết nước mặn sẽ dùng nước ngọt rửa, pha loãng và sử dụng làm phân bón cho trồng cây, thức ăn cho gà vịt. Không chỉ xử lý được chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà nước sau quá trình xử lý có thể tái sử dụng để tiếp tục nuôi tôm, giúp người nuôi chủ động hơn trong điều kiện nguồn nước nuôi khan hiếm.
Việc tận dụng chất thải từ ao nuôi làm phân bón, biogas đang là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp giải quyết vấn đề chất thải với khối lượng lớn từ hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh, giảm thiểu tối đa việc xả thải trực tiếp ra môi trường. Người nuôi tôm cũng tận dụng được nguồn khí từ biogas phục vụ sinh hoạt và 1 phần nhỏ trong sản xuất.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết trong các ngành nghề thủy sản thì nuôi tôm được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Giá trị từ con tôm mang lại, chiếm 58% trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp và gần 21% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tỉnh Bạc Liêu đã quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm; xây dựng khu nuôi tôm an toàn sinh học theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới; hoàn thành các điều kiện, thủ tục để xuất khẩu tôm nguyên con sang các thị trường khó tính như châu Âu, Australia...
Tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD trong tương lai gần. Đây là điều nằm trong tầm tay, bởi hiện nay, việc nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến tôm đã tạo ra nhiều mặt hàng mới. Điều này đã làm thay đổi cơ cấu sản phẩm tôm từ những mặt hàng thủy sản sơ chế thành những sản phẩm tôm được chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.