Nhọc nhằn nghề lao công giữa mùa dịch

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/11/2021 | 10:21:52 Sáng

Những ngày này, đường phố Đông Hà trở nên vắng vẻ, COVID-19 bùng phát nên ai cũng hạn chế ra đường. Vậy nhưng, những công nhân làm nhiệm vụ quét dọn đường phố và thu gom rác sinh hoạt hộ gia đình các khu dân cư thì vẫn miệt mài ngày đêm với công việc.


Bao Quang Tri : Nhọc nhằn nghề lao công giữa mùa dịch

Công nhân môi trường miệt mài với công việc quét dọn đường phố khi mọi người còn yên giấc - Ảnh: L.T

Giữ cho phố phường sạch đẹp

Mỗi ngày làm việc của chị Trần Thị Sương, công nhân Đội môi trường 2, Công ty Cổ phần Môi trường và công trình đô thị (MT&CTĐT) Đông Hà chia làm 2 ca: Buổi sáng từ 2 giờ đến 6 giờ; buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút. Hơn chục năm gắn bó với nghề, chị Sương đã quá quen thuộc với việc bắt đầu công việc mỗi ngày vào thời điểm mà mọi người còn yên giấc.

Chúng tôi hẹn gặp chị Sương ở tuyến đường Lê Lợi - Lý Thường Kiệt, nơi chị thường bắt đầu công việc vào lúc 2 giờ sáng. Đường phố vắng lặng không bóng người, từ xa âm thanh tiếng chổi tre quét xuống nền đường nghe rõ mồn một. Bằng động tác nhanh nhẹn, thuần thục, chị Sương đẩy xe rác vào lề đường, cầm chổi quét, hốt… Ngày trước, mỗi lần vào ca quét rác đêm, chị chỉ cần một chiếc khẩu trang và một đôi găng tay vải đi phía trong kèm một đôi găng tay cao su dày ở phía ngoài là đủ nhưng từ ngày dịch bùng phát, chị phải dùng thêm khẩu trang y tế, găng tay y tế cho đảm bảo an toàn.

 

Chị Sương chia sẻ: "Thời tiết khô ráo như thế này còn đỡ chứ vào những hôm trời mưa, lá rụng nhiều, vừa khó quét, trọng lượng xe rác cũng nặng hơn thì tôi phải thức dậy đi làm sớm hơn mới quét xong tuyến đường này trước 5 giờ 30 phút, kịp giờ xe đến gom rác đưa đi. Dù quá quen thuộc, thuần thục với công việc nhưng vào thời điểm mùa mưa mới thấy nghề này thật vất vả, nặng nhọc. Có hôm trở về nhà chân tay tôi nhức mỏi rã rời…”.

Do đặc thù công việc, Công ty Cổ phần MT&CTĐT Đông Hà phân nhiều khung giờ quét rác đường phố cho công nhân. Để phố phường sạch sẽ, tinh tươm mỗi ngày, tất cả các tuyến đường nội thành đều được quét rác vào ban đêm, riêng những tuyến phố chính ở trung tâm thì có thêm ca quét rác vào ban ngày.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Đội trưởng Đội Môi trường, Công ty Cổ phần MT&CTĐT Đông Hà cho hay, Đội Môi trường có 150 công nhân chia làm 2 tổ sản xuất. Nhiệm vụ của đội là quét rác đường phố và thu gom rác sinh hoạt hộ dân. Do đặc thù công việc nên đội có nhiều khung giờ làm việc nhưng để đảm bảo công bằng, mỗi công nhân đều có 2 ca làm việc ngày và đêm, cộng lại đủ 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tùy vào lượng rác và công việc của từng tuyến, công nhân có thể bắt đầu ca làm việc sớm hoặc muộn hơn, song vẫn phải bảo đảm thu gom hết rác đến đúng giờ, đưa ra đến đúng vị trí tập kết để các xe chuyên dụng chở đi xử lý.

 
Bao Quang Tri : Nhọc nhằn nghề lao công giữa mùa dịch

Công nhân môi trường thu gom rác thải ở khu phong toả tạm thời -Ảnh: L.T

Không chỉ vất vả, nặng nhọc, những người lao công quét dọn đường phố còn đối mặt với những hiểm nguy do tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết còn nhớ như in vụ tai nạn xảy ra cách đây gần 2 năm. Lúc bấy giờ, chị Tuyết phụ trách quét rác ở tuyến đường Ngô Quyền và thu gom rác thải sinh hoạt những hộ dân sống trên tuyến đường này.

"Khoảng hơn 15 giờ chiều ngày 4/11/2019, tôi đang trên đường đẩy xe rác đến vị trí tập kết trung chuyển nằm trên đường Lê Lợi thì đột ngột có người và xe máy đâm thẳng vào tôi từ phía sau khiến tôi ngã xuống đường bất tỉnh. Vụ tai nạn ấy khiến tôi phải nằm viện điều trị hơn 2 tháng vì bị gãy eo đốt sống lưng số 4 và số 5. Đến khi tỉnh dậy tôi mới biết mình bị tai nạn là do 2 thanh niên đi xe máy phóng nhanh vượt ẩu nên va chạm với một shipper đang điều khiển xe máy trên đường cùng chiều, gây tai nạn liên hoàn. Sau vụ tai nạn ấy, tôi bị suy giảm 20% sức lao động, phải nghỉ việc gần nửa năm ở nhà để ổn định sức khỏe. Khi đi làm trở lại thì công ty tạo điều kiện chuyển tôi đến đảm nhận công việc ở tuyến đường Lý Thường Kiệt và một phần đường Hùng Vương nối dài. Hai đoạn đường này đều có mặt đường rộng, bằng phẳng và mật độ người, phương tiện tham gia giao thông ít hơn nên đỡ nguy hiểm hơn. Dù vậy, di chứng vụ tai nạn năm ấy khiến tôi ám ảnh mãi, giờ chỉ cần gắng đẩy xe rác hơi quá sức hay trái gió trở trời là vết thương cũ tái phát”, chị Tuyết nhớ lại.

 

Động viên nhau hoàn thành công việc

Mỗi ngày, lực lượng lao công trên địa bàn thành phố Đông Hà phải xử lý khối lượng từ 60 -70 tấn rác. Đêm quét rác đường phố, ngày thu gom rác thải sinh hoạt hộ dân cư, công việc vốn nhọc nhằn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật nay càng căng thẳng, áp lực hơn vì COVID-19.

Theo ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần MT&CTĐT Đông Hà, trước tình hình phức tạp của COVID-19 trên địa bàn thành phố Đông Hà, công ty đã thành lập bộ phận phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu cách ly tập trung và khu phong tỏa tạm thời trong thành phố. Bộ phận này có 8 người trực tiếp làm nhiệm vụ. Để đảm bảo an toàn cho công nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, công ty đã ưu tiên tiêm vắc xin, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động chuyên dùng phòng chống COVID-19 như áo quần, kính chống giọt bắn, găng tay, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, đồng thời hỗ trợ thêm phụ cấp lương cho các thành viên trong bộ phận này để động viên người lao động yên tâm công tác. Công ty cũng có các giải pháp linh hoạt đảm bảo thực hiện nghiêm theo các văn bản chỉ đạo của tỉnh và thành phố để vừa hoàn thành thu gom rác ngoài cộng đồng, vừa đảm bảo thu gom, xử lý rác thải ở khu vực có dịch. Qua đó, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Bao Quang Tri : Nhọc nhằn nghề lao công giữa mùa dịch

Việc thu gom rác thải ở khu vực cách ly tập trung cần được thực hiện đúng cách để hạn chế tối đa mầm bệnh lây ra cộng đồng - Ảnh: L.T

Vốn là lái xe nhưng kể từ khi COVID-19 bùng phát, anh Hoàng Việt Hồng kiêm luôn nhiệm vụ thu gom rác sinh hoạt ở khu cách ly tập trung. Đầu năm 2020, khi một số khu cách ly tập trung đi vào hoạt động để đón công dân từ Lào trở về thì cũng là lúc anh Hồng bắt đầu thực hiện nhiệm vụ này. Sau khi công ty thành lập bộ phận phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu cách ly tập trung và khu phong tỏa tạm thời, anh Hồng trở thành thành viên dày dặn kinh nghiệm của đội.

Anh Hồng cho biết: "Hiện tôi đảm nhiệm thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt ở 3 khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố và khu vực phong tỏa Khu phố 2, Phường 1 - nơi có khoảng 500 hộ dân sinh sống. Khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi phải chuẩn bị quần áo, tư trang bảo hộ đầy đủ, rác trước khi đưa ra khu vực tập kết thì nhân viên y tế đã tiến hành phun khử khuẩn nhưng mỗi lần lấy rác xong tôi đều tự dùng bình xịt khử khuẩn toàn bộ cơ thể mình trước khi lên xe vận chuyển rác đi. Mỗi lần đến khu cách ly lấy rác, tôi đều thay đồ bảo hộ để tránh mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Dù vậy, tôi vẫn lo lắng vì mình làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao”.

Hiện tại ở thành phố Đông Hà, số ca nhiễm COVID-19 mới vẫn chưa dừng lại, đối tượng cách ly y tế và khu vực phong tỏa ngày một tăng dẫn đến khối lượng rác thải ở khu vực này cũng nhiều hơn. Áp lực công việc của công nhân môi trường cũng tăng theo vì việc thu gom, xử lý loại rác này cần khẩn trương, kịp thời nhưng phải thực hiện cẩn thận, đúng cách để hạn chế tối đa mầm bệnh lây lan ra cộng đồng.

Chị Tuyết chia sẻ: "Tôi làm nghề này hơn 11 năm, không phải thời điểm COVID-19 bùng phát như thế này chúng tôi mới lo sợ. Bình thường rác thải sinh hoạt từ thức ăn thừa, túi ni lon, bao bì, chai lọ cho đến các loại đồ dùng gia đình hư hỏng mà người dân bỏ đi thành rác đều có thể có mầm bệnh và lây nhiễm bất kỳ lúc nào nếu không được thu gom đúng cách. Vì thế, đối với rác của những gia đình cách ly y tế tại nhà, chúng tôi rất cẩn thận, tự mang theo bình khử khuẩn cá nhân để xử lý rác trước khi cho vào bao ni lon riêng rồi mới cho lên xe. Hay xong công việc về nhà thì thay ngay áo quần bảo hộ lao động, tắm rửa vệ sinh cá nhân sạch sẽ mới tiếp xúc với con… Làm mãi rồi cũng thành quen, phải tìm cách thích ứng để vừa hoàn thành tốt công việc, vừa không gây hại cho bản thân và gia đình. Hơn nữa, nếu sợ dịch bệnh mà xin nghỉ thì đường phố sẽ thế nào khi mỗi ngày có đến hàng chục tấn rác thải ra như thế. Với trách nhiệm của bản thân với nghề nghiệp, chúng tôi không đành lòng!”.

Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dù không phải tuyến đầu chống dịch nhưng đội ngũ lao công trên địa bàn thành phố Đông Hà vẫn lựa chọn ra đường để tiếp tục công việc mỗi ngày. Sự lựa chọn đầy tâm huyết và trách nhiệm của những người lao công thời điểm này rất đáng trân trọng.

Nguồn QTO

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.