Cho phố phường xanh, sạch, văn minh
- Cập nhật: Thứ hai, 15/11/2021 | 10:21:52 Sáng
Cô Nguyễn Thị Thoa, một công nhân môi trường tại địa bàn quận Liên Chiểu chia sẻ: "Không cao quý như những ngành nghề khác, nhưng chúng tôi cũng rất tự hào khi được góp sức xây dựng thành phố văn minh, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp".
Đều đặn từ 3 giờ sáng hàng ngày, ca làm việc của cô lao công kéo dài cho đến tận trưa. Sau khi nghỉ vài tiếng, 1h30 chiều lại tiếp tục công việc, cho đến 5-6 giờ chiều thì mới kết thúc. Cô Thoa cho biết, cô phụ trách tuyến đường Nguyễn Lương Bằng – đoạn từ ngã ba Âu Cơ lên đến cổng Bệnh viện Tâm Thần Đà Nẵng. Công việc của cô là quét dọn sạch đường phố, gom rác để vào các thùng đúng nơi quy định cho xe đến thu gom. Công việc tưởng chừng giản đơn nhưng cũng lắm nhọc nhằn, và cũng lắm tâm tư khi gặp phải những hộ dân cố tình "không hợp tác". "Đã quét xong đâu vào đấy thì hộ dân lại tiếp tục bỏ rác sinh hoạt, nhưng họ thường không ý tứ và để vương vãi cả ra đường. Khi cô nhắc, họ thường tỏ thái độ khó chịu, ý muốn nói rằng họ đã nộp tiền rác rồi và việc của cô là phải dọn, những lúc như thế lại thấy chạnh lòng và chỉ biết lặng im" – Cô Thoa kể. Nhưng với cô, điều đó cũng chẳng nhằm gì khi mà cái nghề này đã gần như thấm vào da thịt. Thời gian và kinh nghiệm chừng ấy năm đã làm nên một người lao công đủ chịu thương chịu khó để vượt qua những khó khăn và hoàn thành tốt công việc hàng ngày.
Với cô Nguyễn Thị Dầu cũng vậy, hơn 15 năm gắn bó với "nghề rác", cho đến bây giờ cô vẫn không thấy chán mà càng yêu cái nghề này hơn. "Cực thì cực lắm con, nhưng mà làm lâu với nghề nào thì mình lại thấy yêu cái nghề đó. Mỗi ngày cứ quét xong đoạn đường mình phụ trách là lòng lại thấy vui. Vui vì đã hoàn thành công việc, vui vì thấy đường phố không còn rác và trở nên sạch đẹp hơn". – Cô Dầu bộc bạch. Cô Dầu phụ trách tuyến đường Nguyễn Bá Phát chạy dài ra Nguyễn Lương Bằng lên đến bờ phía Nam Cầu Nam Ô. Cô cho biết, những ngày thường thì công việc cứ thế trôi, nhưng sẽ vất vả hơn khi vào mùa mưa và những ngày lễ, Tết, giờ làm việc có thể kéo dài đến đêm, đến khi xong việc thì mới được về.
Có những người đã trải qua thời gian gắn bó với nghề gần vài chục năm, và có cả những người mới vào nghề nhưng đã xác định trách nhiệm và làm việc hết mình với suy nghĩ rất đáng trân trọng. "Tôi làm nghề này chưa đầy 01 năm. Thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để trải nghiệm. Với tôi thì không có nghề nào là xấu cả, và mỗi một nghề có một giá trị riêng. Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì những việc như thế này rồi ai sẽ làm. Vậy nên khi chọn nghề thu gom rác là tôi đã xác định và sẽ gắn bó lâu dài với nghề này". – Anh Nguyễn Minh Tuấn, một công nhân môi trường mới vào nghề chia sẻ. Anh Tuấn phụ trách việc thu gom rác tại khu vực dân cư ven biển Hòa Hiệp Bắc. Với những cung đường lớn thì đã có xe chuyên dụng thu gom. Còn rác trong khu dân cư thì phải dùng xe thô sơ để thu gom và chở về điểm tập kết rác theo quy định. Một lần theo chân những công nhân môi trường đến tận điểm tập kết rác trên đường Tạ Quang Bửu, chứng kiến thực tế công việc của họ tại điểm tập kết, chúng tôi càng cảm nhận được sự nhọc nhằn vất vả của cái nghề công nhân môi trường. Dù ngày nắng hay ngày mưa thì việc thu gom vẫn chạy đều như vậy, không thể để ứ đọng rác qua ngày, đảm bảo theo guồng quay của công việc và phục vụ tốt cho bà con nhân dân.
Giả thuyết rằng nếu không có những cô chú lao công, không có những người chọn "nghề rác" thì môi trường sống của chúng ta sẽ như thế nào?!...Những cung đường mỗi sáng sạch tinh tươm, những khu dân cư không còn ứ đọng rác thải..., sau tất cả là sự nỗ lực không mệt mỏi của những công nhân môi trường. Một công việc lặng thầm rất đáng trân trọng, cho phố phường xanh, sạch, văn minh./.
Nguồn lienchieu.danang.gov.vn
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.