Khủng hoảng rác Hà Nội: Loay hoay với thủ tục

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/11/2021 | 9:16:59 Sáng

Hà Nội đã có định hướng phát triển các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại thay cho chôn lấp như hiện nay. Tuy nhiên, công nghệ và thủ tục phức tạp đang là những rào cản khiến các doanh nghiệp không mặn mà với lĩnh vực này.

Nhà máy rác gần 800 tỷ đồng chờ vận hành

Ghi nhận tại Nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh), dù đã cơ bản hoàn thiện nhưng bên trong khuôn viên, mọi thứ vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động.

Nhà máy do Cty CP đầu tư Thành Quang làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 12/2011 với tổng mức đầu tư trên 768 tỷ đồng. Khi xây dựng, nhà máy đốt rác với công suất 500 tấn/ngày được kỳ vọng sẽ xử lý được rác thải công nghiệp, y tế và khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày ở huyện Đông Anh, qua đó giảm tải cho bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

Đại diện UBND huyện Đông Anh cho biết, sau khi được bàn giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: hệ thống sơ tuyển rác (phân loại rác thô và sơ chế kim loại), ủ rác, sấy rác, lò đốt plasma; hệ thống xử lý khói thải... Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hạng mục chưa được xây dựng và diện tích 8,7 ha của dự án đang để trống nhiều khu đất. Dù huyện đã nhiều lần thúc tiến độ nhà máy nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể đưa nhà máy vào hoạt động.

 

Hiện nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn xử lý khoảng 5.000- 5.500 tấn/ngày theo phương thức chôn lấp. Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì) khoảng 1.500 tấn/ ngày. Đây là các khu xử lý được thiết kế, đưa vào hoạt động từ năm 1999 và đều đang ở trong tình trạng quá tải, đã phải tạm dừng hoạt động do sự cố trong tháng 10 và 11/2021.

Hà Nội đã có chủ trương đầu tư các dự án xử lý rác công nghệ cao nhưng vẫn chưa hẹn ngày về đích. Ngoài dự án nhà máy plasma Đông Anh còn có: Nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày đêm của liên danh T&T và Hitachizonshen; Nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH Indovin Power 500 tấn/ngày đêm; Nhà máy điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin.

Dự án "cứu rác” cũng mắc thủ tục

 

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, nguyên nhân trực tiếp Hà Nội phải khẩn cấp xây dựng hồ chứa sinh học thuộc giai đoạn 2 của bãi rác Nam Sơn là các doanh nghiệp xử lý nước rác thông báo ngừng hoạt động do quá tải hồ chứa.

Cụ thể, 2 hồ chứa do Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) và Cty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền vận hành cùng lúc dừng vận hành. Hai hồ chứa này được đầu tư vận hành từ năm 2014, đến nay xin dừng với lý do máy móc không còn đảm bảo. Hiện nay, việc đầu tư hồ sinh học khẩn cấp đang được triển khai và được giảm các bước đấu thầu, hồ sơ... Dự kiến trong tháng 12 sẽ lựa chọn được nhà thầu.

Đối với bãi rác Xuân Sơn, UBND thành phố đã có chủ trương cải tạo ô chôn lấp 3ha tại huyện Ba Vì. Sau khi hoàn thành, bãi rác Xuân Sơn sẽ tiếp nhận rác đến tháng 6/2023. Tuy vậy, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng nhận định, việc mở rộng chôn lấp rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến dân cư xung quanh, hiện khu vực này cũng đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây chỉ là những giải pháp tạm thời trong lúc chờ các nhà máy xử lý rác hiện đại đi vào hoạt động.

 

Theo đại diện chủ đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn, trong thời điểm bãi rác Nam Sơn phải tạm dừng tiếp nhận rác do sự cố, đơn vị đã tiếp nhận khoảng 9.000 tấn rác phát sinh. Nếu có yêu cầu khẩn cấp, doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục nhận rác hỗ trợ cho bãi rác Nam Sơn. Mặc dù là dự án trọng điểm xử lý rác cho thành phố với công suất 4.000 tấn/ngày nhưng đến nay, doanh nghiệp này vẫn gặp khó trong thủ tục xin đấu nối lên lưới điện quốc gia. Các thủ tục xin đấu nối lưới điện quốc gia nhiều lần gặp khó khăn. Vừa qua, đơn vị tiếp tục phải hoàn thiện lại thủ tục này. Dự kiến nếu thủ tục hoàn thiện, nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ hoạt động vào tháng 1/2022.

Với Nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh, các chuyên gia nhận định, dự án này ngay từ đầu đã không tính đến việc đốt rác hỗn hợp tại Việt Nam, vì công nghệ plasma không thể đốt cùng lúc mọi loại rác. Dự án này còn phải chờ điều chỉnh quy hoạch rác của Thủ tướng Chính phủ để chuyển sang đốt rác công nghiệp. Tương tự, các dự án đốt rác phát điện khác đòi hỏi công nghệ đốt hiện đại, nên ít doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào mảng này.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, trong thời điểm chờ nhà máy đốt rác đi vào hoạt động, Sở Xây dựng yêu cầu các trạm xử lý nước rác phải vận hành đúng công suất, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để ảnh hưởng đến an ninh, an toàn.

UBND thành phố định hướng trong giai đoạn 2021- 2025 sẽ đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện. Trong đó, ngoài Nhà máy điện rác Sóc Sơn, còn có nhà máy đốt rác phát điện tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn công suất 1.500 tấn/ngày, dự kiến khởi công trong quý I/2022.

Hà Nội đang đôn đốc điều chỉnh chủ trương đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại tại: Núi Thoong (huyện Chương Mỹ, công suất 2.000 tấn/ngày); Châu Can (huyện Phú Xuyên, công suất 1.000 tấn/ngày); hoàn thành cải tạo hạ tầng, giải phóng mặt bằng làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác công nghệ hiện đại tại Khu xử lý chất thải rắn Phù Đổng (huyện Gia Lâm, công suất khoảng 1.000 tấn/ngày). Khi toàn bộ các nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025- 2030, tỷ lệ rác thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp giảm xuống dưới 25%.

Nguồn TPO

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.