Thừa Thiên Huế triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/11/2021 | 2:45:58 Chiều

Với thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni-long khó phân hủy, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thừa Thiên Huế - một tỉnh thành ở miền Trung nước ta đã có nhiều hoạt động thiết thực trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa.

Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua.

Chính việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Trong thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều hoạt động thiết thực để giảm thiểu rác thải nhựa.

Thừa Thiên Huế triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa - Ảnh 1
Đại diện UBND TP. Huế và WWF - Việt Nam ký cam kết đưa Huế trở thành Đô thị Giảm Nhựa tại Hội thảo khởi động dự án "Huế - Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam”. Ảnh: Báo TNMT

Ban hành Chỉ thị số 09 về giảm thiểu chất thải nhựa

Ngày 02/03/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về tăng cường quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Chỉ thị yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở ban ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng kế hoạch, kế hoạch tự kiểm tra về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong đơn vị, đơn vị trực thuộc và thực hiện một số các hoạt động cụ thể như sau: Tiếp tục phát huy, lan tỏa phong trào "Ngày Chủ nhật xanh”, "Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” theo nội dung tại Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26/02/2019 về việc thực hiện phong trào "Nói không với túi ni lông sử dụng một lần”; Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 04/3/2019 về việc tổ chức, triển khai thực hiện Đề án Ngày Chủ nhật xanh "Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng”; Đồng thời gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa,... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường; Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; khuyến khích nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu, phù hợp để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Thực hiện truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; vận động người thân, cộng đồng người dân hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; Chỉ thị 09 đã nêu rõ nhiệm vụ cụ thể mà các ngành, đơn vị phải triển khai trong thời gian tới. 

Đối với Sở Tài nguyên Môi trường, chỉ thị 09 yêu cầu Sở phải: Tổ chức phát động hưởng ứng thực hiện phong trào "Nói không với túi ni lông sử dụng một lần”, tùy thuộc tình hình lựa chọn một địa phương tổ chức sự kiện chính vào tuần thứ 3 tháng 10 hàng năm theo đúng Kế hoạch số 34/KH-UBND. Chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình triển khai thực hiện của các đơn vị tham gia, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tổ chức hội nghị huyền thông cho cán bộ và người dân về tác hại của túi ni lông, biện pháp thu gom và sử dụng túi đựng hàng thân thiện với môi trường. Xây dựng tài liệu, tờ rơi hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn; Phối hợp với Sở Công thương đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích việc kinh doanh, sử dụng các loại túi, phương tiện đựng hàng thân thiện môi trường thay thế túi ni lông sử dụng một lần đồng thời kiến nghị các hình thức xử lý đối với các nhà phân phối, đơn vị bán lẻ không có kế hoạch hoặc không thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng túi ni lông sử dụng một lần. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn tỉnh; Triển khai tiêu chí đánh giá doanh nghiệp "Thân thiện với môi trường” trên địa bàn tỉnh, logo để phong tặng cho các tổ chức, đơn vị không sử dụng túi ni lông sử dụng một lần; Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ môi trường Thừa Thiên Huế cho vay vốn ưu đãi theo quy định đối với hoạt động thu gom và tái chế túi ni lông đã qua sử dụng, hoạt động sản xuất các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường thay thế túi ni lông sử dụng một lần trên địa bàn tỉnh; Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thu gom, tái chế túi ni lông hoặc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông sử dụng một lần. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tái chế chất thải chấp hành tốt pháp luật bảo vệ môi trường; thúc đẩy các mô hình hợp tác công tư, mô hình kinh doanh, kinh tế chia sẻ và thúc đẩy các sáng kiến, sự tham gia của các hiệp hội, các tổ chức, các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn và chất thải nhựa.

Đối với Sở Công thương, Chỉ thị 09 yêu cầu chủ trì thực hiện mục tiêu "Năm 2021 đẩy mạnh triển khai đến các cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục đẩy mạnh triển khai không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cùng với cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”; Làm việc cụ thể với các siêu thị, trung tâm thương mại, ban quản lý các chợ để thống nhất, tham mưu lộ trình hạn chế sử dụng túi ni lông sử dụng một lần; theo dõi việc thực hiện lộ trình. Đề xuất các giải pháp phù hợp để thực hiện thành công lộ trình; Đề xuất chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thu gom, tái chế túi ni lông sử dụng một lần hoặc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông sử dụng một lần; nghiên cứu, đề xuất chế tài trong trường hợp các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông sử dụng một lần không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm, nghĩa vụ; đề xuất, tổng hợp, xem xét tôn vinh các doanh nghiệp "Thân thiện với môi trường” trên địa bàn tỉnh.

Nhận thấy đối tượng học sinh - đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, vì vậy Chỉ thị 09 yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo có một số hoạt động như sau: Tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến việc không sử dụng và thải bỏ túi ni lông sử dụng một lần, thu gom túi ni lông và pin qua sử dụng, khuyến khích lồng ghép nội dung trên vào một số môn học tại lớp và các hoạt động ngoại khóa của nhà trường; tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường; triển khai, thực hiện tiêu chí "Trường học thân thiện với môi trường” trên phạm vi toàn tỉnh, có tổng kết, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh; Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Làm một triệu túi giấy” cho các em học sinh tại các trường học để phân phối tại các chợ, các điểm tuyên truyền phong trào; Tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình thu gom túi ni lông, pin qua sử dụng tại gia đình để tập trung tại 01 địa điểm của nhà trường trước khi chuyển xử lý; thu gom giấy in, giấy báo loại làm túi đựng thay thế túi ni lông sử dụng một lần cung cấp cho các quầy thuốc, nhà thuốc, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có khó khăn về kinh tế, phát động phong trào thi đua "Trường học nói không với túi ni lông sử dụng một lần”, trong đó chú trọng đến khu vực nhà ăn, căn tin trường học. Bước đầu triển khai công tác phân loại rác tại nguồn tại các trường học, ngành giáo dục đào tạo.

Triển khai các chương trình, dự án giảm thiểu chất thải nhựa

Ngày 11 tháng 11 năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) – Việt Nam đã tổ chức lễ công bố và Hội thảo Khởi động Dự án Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”. Đây là một trong những hoạt động cụ thể thực hiện Chỉ thị 09.

Mục tiêu của CTPLCTRSHTN nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng "Đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường và thông minh”. Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giúp các tổ chức, cá nhân từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, hướng dẫn tổ chức, cá nhân cách thức phân loại, lưu giữ và giao chất thải thu gom đúng quy định; mỗi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc phân loại rác thải sinh hoạt khi có phát sinh.

Đồng thời, chất thải sinh hoạt phải được phân loại ngay từ nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường và nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý nhà nước về quản lý chất thải sinh hoạt cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống. Chất thải sinh hoạt phải được phân loại ngay từ nguồn đối với địa phương dự kiến cung cấp chất thải rắn sinh hoạt cho nhà máy đốt rác phát điện đang được đầu tư xây dựng. 

UBND thành phố Huế cũng đã ban hành các văn bản, kế hoạch về tổ chức, triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Huế; tổ chức tập huấn, tuyên truyền. Thống nhất các nội dung về về mẫu thùng rác phân loại, vị trí đặt thùng và sẵn sáng triển khai thực hiện.  

Thừa Thiên Huế- đô thị giảm nhựa ở miền Trung

TP. Huế bao gồm cả phần diện tích mở rộng, có một hệ thống sông tự nhiên và nhân tạo dày đặc cùng đổ vào đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đây là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, có giá trị cao về môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Hiện nay, khu vực này đã và đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi các hoạt động xả thải trực tiếp rác thải trên sông Hương và các hoạt động xả thải của các khu vực dân cư sinh sống dọc theo hệ thống các sông chảy qua địa bàn TP.

Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở TP. Huế rất cao 98% (năm 2020) cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương, các nhóm tình nguyện, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế và các bên liên quan khác, ô nhiễm rác thải nhựa vẫn đang là một vấn đề môi trường nghiêm trọng ở một số lưu vực sông hồ xung quanh Hoàng Thành, các khu chợ ngoài trời, bãi biển công cộng.

Theo kết quả đánh giá ban đầu của các nhóm tư vấn trong khuôn khổ thực hiện dự án (CRET, 2021) về hệ thống quản lý chất thải rắn ở TP. Huế nói chung và rác thải nhựa nói riêng cho thấy, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở TP. Huế và các huyện, thị xã lân cận khoảng 407,2 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%, chỉ đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ. Trong đó, khối lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường ở TP. Huế ước tính vào khoảng 3,13% so với tổng khối lượng rác thải phát sinh. Hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần là nguồn gây ô nhiễm rác thải nhiều nhất, kể cả về số lượng và khối lượng.

Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND TP. Huế nhằm mục tiêu hỗ trợ TP. Huế bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương. Kết quả mong đợi là đến năm 2024, Huế trở thành Đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi.

Thừa Thiên Huế triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa - Ảnh 2
Định hướng quản lý chất thải rắn của Thừa Thiên Huế. Ảnh:HueCity.gov

Hiện tại giữa PRO Việt Nam và Công ty Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) đang triển khai chương trình truyền thông "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”.

Tại TP Huế, Chương trình sẽ thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp tới các hộ gia đình, cơ quan, trường học và truyền thông gián tiếp qua các tin bài đăng trên truyền hình, website, fanpage, báo in, báo điện tử, đồng bộ với chương trình kế hoạch phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn của UBND Thành phố Huế.

Bằng hành động quyết liệt với cơ chế chính sách và việc làm cụ thể, hy vọng trong thời gian tới tỉnh Thừa Thiên Huế là một điểm sáng và giảm thiểu chất thải nhựa trên phạm vi cả nước.

Lam Vy
Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.