Dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" ở thùng rác của F0 điều trị tại nhà
- Cập nhật: Thứ hai, 6/12/2021 | 9:32:47 Sáng
Với F0 điều trị tại nhà, thành phố Hà Nội cho biết, trước cửa nhà sẽ có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19"
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Phương án số 276 về cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Người bệnh (F0) được điều trị tại nhà là người nhiễm COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi. Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở – 20 lần/phút, SpO2 > 97% khi thở khí trời; không có thở bất thường như: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít khi hít vào.
Về độ tuổi: Trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn < 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, không đang mang thai.
Theo hướng dẫn của thành phố Hà Nội, F0 cũng phải đáp ứng các yêu cầu như có thể tự chăm sóc bản thân như: ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh... Biết cách đo thân nhiệt, có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sỹ; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu; có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính,...
"Trường hợp người nhiễm COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí", văn bản nêu.
Trường hợp F0 điều trị tại nhà phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà. Thành phố Hà Nội yêu cầu là nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư. Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19"; có thùng màu vàng có biểu tượng chất thải lây nhiễm có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" để đựng trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ;
Cùng với đó, phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Thành phố khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly.
Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu: Phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn; có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.
Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải, có màu vàng, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng để đựng chất thải gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2"; thùng đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh để đựng chất thải sinh hoạt khác.
Đồng thời, không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ; có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt; có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 2 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày.
Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly; bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.
Như vậy khi Hà Nội thực hiện Phương án số 276 về cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố, sẽ có một khối lượng "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" của F0 điều trị tại nhà cũng như trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ trong quá trình tới điều trị F0 điều trị tại nhà cần phải được thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định đối với chất thải nguy hại, đảm bảo không làm lây nhiễm dịch COVID-19 từ nguồn chất thải này.
Để làm rõ hơn vấn đề trên, ngày 08/12/2021 tới đây, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tổ chức Toạ đàm với chủ đề: Thực trạng và giải pháp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà với sự tham dự của các chuyên gia về quản lý môi trường y tế, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, các công ty môi trường đô thị ở các thành phố lớn, cùng các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Quý bạn đọc quan tâm có thể tham dự Toạ đàm này qua hình thức trực tuyến bằng cách truy cập vào link: Https:zoom.us/j2682683688#success.
Đồng Xuân
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.