Bắt đầu từ ngày 13/2, Chile sẽ cấm đồ nhựa sử dụng một lần
- Cập nhật: Thứ hai, 14/2/2022 | 10:19:37 Sáng
Thứ trưởng Bộ Môi trường Chile ước tính với việc ban hành luật cấm đồ nhựa dùng một lần, mỗi năm Chile sẽ giảm được khoảng 23.000 tấn rác thải nhựa, góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Môi trường Chile cho biết với bước đi này, mỗi năm Chile sẽ giảm được khoảng 23.000 tấn rác thải nhựa, góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường.
Luật về đồ nhựa dùng một lần, được ban hành vào tháng 8 năm ngoái, hạn chế các nhà hàng và cửa hàng thực phẩm khác tạo ra và sử dụng các sản phẩm này cho cả dịch vụ giao hàng tận nhà và tiêu dùng tại chỗ.
Luật mới sẽ cấm giao một số mặt hàng nhựa ngay lập tức, nhưng sẽ thiết lập thời hạn lên đến 3 năm để các nhà hàng, quán càphê và các địa điểm khác thích nghi và bán thực phẩm đóng gói trong các vật liệu có thể tái sử dụng cho khách hàng tiêu dùng tại chỗ.
Đối với hoạt động giao hàng, các cơ sở kinh doanh này chỉ có thể giao các sản phẩm dùng một lần làm bằng vật liệu không phải nhựa, trong khi thực phẩm chế biến sẵn có thể được đựng trong vật liệu nhựa, nhưng toàn bộ hoặc một phần của vật liệu đó phải được sản xuất từ các nguồn tài nguyên tái tạo và có thể phân hủy được.
Theo dữ liệu năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Chile đứng thứ hai khu vực Mỹ Latinh (sau Mexico) về lượng rác thải. Tỷ lệ sản phẩm nhựa tái chế của nước này cũng rất thấp.
Nạn ô nhiễm rác thải nhựa sử dụng một lần, không thể phân hủy hoặc khó phân hủy đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nilon dùng một lần được sử dụng.
Tổng cộng có một nửa số sản phẩm nhựa là loại chỉ để dùng một lần, từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi bọc đồ. Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.
Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.
Theo công bố của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy, 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút…
Trong số đó, 70-80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền, chủ yếu là do các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ven biển xả thẳng ra sông, ra biển, không qua xử lý.
Các chuyên gia ước tính đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương nơi mà chúng sẽ trôi nổi trong nhiều thế kỷ.
Như vậy, theo một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và công ty tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương./.
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.