Vĩnh Phúc: Rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/2/2022 | 2:10:18 Chiều

Từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, năm 2021, Hội Nông dân Vĩnh Phúc phối hợp Hội Nông dân huyện Lập Thạch triển khai mô hình điểm “Nông dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” tại thị trấn Hoa Sơn.

tm-img-alt

Chất thải rắn sinh hoạt ngày một tăng, trong khi việc thu gom, xử lý không đảm bảo gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nông thôn. Các địa phương vẫn chờ đợi sự định hướng về chính sách, công nghệ từ các cơ quan quản lý Trung ương để giải bài toán khó này.

"Thu gom rác thế nào? Rác sẽ đưa đi đâu? Rác sẽ được xử lý ra sao?” – những câu hỏi này đã được đặt ra từ lâu, song không ít địa phương vẫn đang loay hoay tìm lời giải.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt ở các vùng nông thôn là câu chuyện đã cũ nhưng luôn nóng, bởi những áp lực ngày càng gia tăng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, lượng chất thải sinh hoạt nông thôn trong cả nước khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom còn thấp. trung tâm đạt khoảng 40 – 50% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thug om chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa.

 

"Đến nay, đã có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc thug om, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt một số ít do công ty dịch vụ môi trường thực hiện, còn lại phần lớn là do các hợp tác xã, tổ, đội tự quản thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, song mức thu rất thấp, khoảng 10.000 – 20.000 đồng/hộ/tháng. Với số tiền này, kinh phí mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thug om chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển”, Bộ TN&MT cho hay.   

Nhận thức được tác dụng của việc phân loại, xử lý rác thải tại gia đình, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân (HND) tỉnh phối hợp với HND huyện Lập Thạch tiến hành khảo sát, lựa chọn 50 hộ dân ở tổ dân phố Quảng Khuân và tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Hoa Sơn để triển khai thí điểm mô hình "Nông dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình”. Tham gia mô hình, mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ 1 bộ thùng phân loại rác hữu cơ, vô cơ; 1 thùng ủ rác 250 lít và 4 gói chế phẩm sinh học của Công ty Cổ phần Công nghệ vi sinh và Môi trường (Hà Nội); đồng thời, được cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cách phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại hộ thành phân bón cho cây trồng.

Để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả, các cấp HND từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện phân loại rác thải, hướng dẫn cách pha chế chế phẩm sinh học và ủ rác thải hữu cơ để cho ra phân bón chất lượng; chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ, rút kinh nghiệm.

 

Theo ông Hà Công Phiến, Chủ tịch HND thị trấn Hoa Sơn : Quảng Khuân và Hòa Bình là 2 tổ dân phố có sản xuất nông nghiệp phát triển nên lượng rác thải hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp lớn, chiếm khoảng 70% tổng lượng rác thải phát sinh hằng ngày. Sau khi được lựa chọn làm điểm thực hiện mô hình, HND thị trấn đã thành lập 2 câu lạc bộ thu gom, phân loại rác thải do Chi hội trưởng HND làm chủ nhiệm. Trong quá trình thực hiện, 2 câu lạc bộ đảm nhận nhiệm vụ giám sát, đôn đốc từng hộ thực hiện việc phân loại rác thải và áp dụng quy trình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Với sự tuyên truyền, hướng dẫn kịp thời, qua hơn 2 tháng triển khai, mô hình bước đầu đã mang lại những kết quả, được các hộ dân tích cực hưởng ứng.

Thăm quan khu vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Soạn, tổ dân phố Quảng Khuân, cây nào cây nấy đều tươi tốt. Đang sử dụng nước rỉ ra từ rác đã ủ vi sinh để tưới cho các loại cây trồng trong vườn, bà Soạn cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thải ra môi trường từ 6 - 8 kg rác thải, trong đó, có đến 70% là rác thải hữu cơ. Trước đây, mọi rác thải sinh hoạt của gia đình, tôi đều đổ vào thùng nhựa, bao tải để công nhân môi trường thu gom. Thế nhưng, sau khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, tôi hình thành ý thức phân loại rác thải. Đối với các loại rác thải có thể tái chế, tôi để riêng; còn rác hữu cơ được đem đi xử lý ngay. Từ khi thực hiện phân loại, xử lý rác thải, gia đình giảm được lượng rác thải phải đem đi tiêu hủy đến 60%; hạn chế mùi hôi thối phát sinh từ rác thải hữu cơ và có thêm nguồn phân bón chất lượng cho cây trồng, giúp tiết kiệm tiền mua phân bón.

Cũng theo bà Soạn, quy trình ủ rác thải hữu cơ thành phân bón cũng khá đơn giản. Rác thải hữu cơ sau khi được phân loại cho vào thùng ủ, thêm 1 ít trấu và trộn chế phẩm sinh học. Cứ khoảng 10 ngày thì lại đảo lại 1 lần. Sau khoảng 30 - 40 ngày, rác thải hữu cơ sẽ phân hủy thành phân bón có ích cho cây trồng.

 

Theo đánh giá kết quả bước đầu của HND thị trấn Hoa Sơn, 100% rác hữu cơ phát sinh ở các hộ dân tham gia mô hình được phân loại và ủ làm phân vi sinh. Lượng rác phải thu gom và xử lý hằng ngày ở các gia đình đã giảm 60-70%, mùi hôi từ rác thải hữu cơ đã giảm hẳn. Việc triển khai mô hình đã mang lại lợi ích cho cả người dân và chính quyền địa phương. Người dân đã có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn, còn với địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường. Từ những hiệu quả bước đầu mô hình mang lại, HND thị trấn Hoa Sơn mong muốn HND tỉnh, HND huyện tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình nhằm góp phần xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, xây dựng môi trường nông thôn trong lành, sạch, đẹp.

Khánh Hà 


Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.