PRO Việt Nam thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/2/2022 | 4:37:56 Chiều

Sau thời gian đi vào hoạt động, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã có những kết quả bước đầu trong việc định hướng mô hình kinh tế tuần hoàn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững từ các thành viên và tạo thói quen phân loại rác tại nguồn từ cộng đồng.

Phân loại rác tại nguồn gắn với nền kinh tế thị trường
Với sự phát triển nhanh của kinh tế- xã hội, rác thải phát sinh ngày càng nhiều. Điều này có nghĩa là một lượng lớn rác thải được tạo ra mỗi năm và tăng nhanh một cách không mong muốn. Nhiều rác thải hơn có nghĩa là nhiều hơn sự tiêu thụ và lãng phí nguồn tài nguyên. 
Phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn rác thải. Các loại chất thải được tạo ra có thể được phân loại ngay tại nhà. Hầu hết rác thải được tạo ra tại các hộ gia đình bao gồm bao bì, thức ăn thừa và giấy, túi nilon, đều  có thể tái chế. 
PRO Việt Nam thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn - Ảnh 1
Rác thải sẽ trở thành nguồn tài nguyên tái chế phục vụ cho cuộc sống của con người nếu quy trình thu gom – vận chuyển – xử lý rác thải được thực hiện một cách khoa học và triệt để. (Ảnh: UBND TP.HCM)
Phân loại rác tại nguồn là một hướng đi đúng đắn bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây lãng phí như: tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận chuyển rác và vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu có thể tái chế như: rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… cũng bị chôn lấp trong đất, mà theo các chuyên gia phải mất hằng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Rác tái chế làm giảm sự phụ thuộc của con người vào việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Đặc biệt, với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%), sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện môi trường.
Khái niệm kinh tế tuần hoàn ra đời trong bối cảnh xã hội hiện đại phát triển, tiêu dùng tăng cao gây ra nhiều nhân tố tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và hệ sinh thái cũng như mang đến nhiều mối nguy hại cho môi trường và sự phát triển bền vững.
PRO Việt Nam thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn - Ảnh 2
Phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn rác thải. 
Chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn đã được đề cập tại Nghị quyết số 55-NQ/ TW ngày 11/02/2020 của Bộ chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương "Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” và "khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Luật Môi trường năm 2020 cũng đã luật hóa quy định về kinh tế tuần hoàn. Đây là hành lang pháp lý rất quan trọng để hiện thực hóa việc phân loại rác tại nguồn trong nền kinh tế tuần hoàn.
Theo ước tính hiện nay, mỗi phút 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới, mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dụng và thải ra môi trường. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia Mỹ và Australia công bố tháng 12/2017, Việt Nam thuộc một trong năm quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất ra đại dương trên thế giới.
Lượng rác thải rắn đô thị ở Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 38% từ 11,6 triệu tấn năm 2016 lên 15,9 triệu tấn năm 2030. Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng.
Mỗi một gia đình Việt Nam sử dụng đến 1kg túi ni-long trong một tháng. Trung bình ở  hai Thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày phát sinh  đến 80 tấn, trong đó có 78% lượng chất thải nhựa là túi ni-long.
Trước thực trạng nói trên, tổ chức tự nguyện phi lợi nhuận Liên Minh Tái Chế Bao Bì Việt Nam - PRO Việt Nam  đã ra đời nhằm đảm bảo nguồn cung các sản phẩm an toàn luôn được cân bằng với việc thu gom và tái chế bao bì một cách bền vững, từ đó góp phần tạo nên Việt Nam xanh, sạch, đẹp. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, PRO Việt Nam đã tiếp cận đến với hơn 20 tỉnh thành, tác động đến 2.000 trường học, hơn 10 triệu người tiêu dùng và hơn 1.000 hộ gia đình và thiết lập 27 điểm thu gom tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Nỗ lực xây dựng và hoàn thiện mô hình thu gom, xử lý bao bì thông qua hợp tác với chính quyền địa phương và các bên trong chuỗi giá trị bao bì của PRO Việt Nam đã làm tăng lượng rác tái chế, giảm khối lượng  thải bao bì phát tán ra môi trường, hoặc chôn lấp, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và kinh tế tuần hoàn phát triển.
PRO Việt Nam có nhiều chương trình, hoạt động phân loại rác tại nguồn 
Với mục đích phối hợp cùng Nhà nước cải thiện quá trình tái chế bao bì bền vững hơn trong tương lai, PRO Việt Nam hoạt động dựa trên 4 trụ cột hoạt động chính để hiện thực hóa sứ mệnh của mình. PRO Việt Nam cũng mong muốn những hành động của mình sẽ có ảnh hưởng tác động lớn đến môi trường, kinh tế và xã hội trong những năm tiếp theo.
Liên minh Tái chế Bao bì PRO Việt Nam sẽ hỗ trợ trong các hoạt động thúc đẩy việc tái chế tại Việt Nam, theo bộ nguyên tắc 3R (Reduce "tiết giảm” – Reuse "tái sử dụng” – Recycle "tái chế”). Trọng tâm của PRO Việt Nam là xây dựng và hoàn thiện chu trình thu gom, xử lý bao bì thông qua hợp tác với chính quyền địa phương và các bên có liên quan, từ đó tăng khả năng tái chế, giảm tình trạng thải bao bì ra môi trường.
Mô hình này tái tạo toàn bộ vòng đời của bảo bì sản phẩm, từ cách thiết kế, chế tạo bao bì từ vật liệu tái chế; các giải pháp thu gom, tái chế, tái sử dụng bao bì... Các thành viên cùng góp sức để tăng số điểm thu gom phế liệu, bảo đảm  xử lý toàn bộ bao bì đã tiêu thụ, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng. 
PRO Việt Nam gồm 19 đơn vị trong ngành tiêu dùng và bao bì: Annam Group, Coca-Cola, FrieslandCampina, La Vie, Nestle, Nuti Food, Pepsico, Saigon Co.op, SIG, Suntory Pepsico Việt Nam, Tetra Pak, TH và Universal Robina.
Sau thời gian đi vào hoạt động, PRO Việt Nam đã có những kết quả bước đầu trong việc định hướng mô hình kinh tế tuần hoàn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững từ các thành viên, hợp tác với các đối tác liên quan và các cơ quan quản lý môi trường của nhà nước, góp phần thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. 
Sau gần 2 năm thành lập, PRO Việt Nam đã tiếp cận hơn 20 tỉnh thành, tác động đến 2.000 trường học, hơn 10 triệu  lượt người tiêu dùng, hơn 1.000 hộ gia đình và thiết lập 27 điểm thu gom tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trong một năm qua. Các thành viên trong PRO Việt Nam đã thu gom 7.000 tấn vỏ hộp giấy và giảm hơn 200 tấn nhựa và chất thải nhựa trong hoạt động. Những thông tin này được ghi nhận tại sự kiện tổng kết một năm thành lập PRO Việt Nam ngày 26/6/2019 tại Palm Garden Resort & Spa Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Từ 9 thành viên sáng lập ban đầu, tính đến tháng 03/2021, PRO Việt Nam đã tăng lên 14 thành viên trong ngành tiêu dùng và bao bì. Liên minh này gồm những thành viên là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước hàng đầu, họ đã quyết định ngồi lại với nhau vì có cùng chung một mong muốn. Đó là thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo các dễ tiếp cận và bền vững hơn.
Chuỗi chương trình về thay đổi nhận thức bao bì dùng 1 lần cũng được các đơn vị như Nutifood, Saigon Co.op, Nestlé Việt Nam... đẩy mạnh triển khai. Riêng hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã loại bỏ túi ni- lông, thay bằng túi nhựa phân hủy sinh học và 243.000 túi môi trường.
Bên cạnh đó, Liên minh PRO Việt Nam còn cải tiến bao bì nhựa. Nhãn hàng Milo sản xuất loại bao bì với thông điệp tái chế từ tháng 2/2021. Suntory PepsiCo Việt Nam bỏ mảng co ở nắp chai Aquafina, giúp tiết kiệm 140 tấn nhựa thải ra môi trường mỗi năm.
PRO Việt Nam thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn - Ảnh 3
Lễ ký kết thành lập tổ chức Liên Minh Tái Chế Bao Bì Việt Nam - PRO Việt Nam( Ảnh:PRO Việt Nam)
Song song, với những hoạt động nói trên,  các công ty tổ chức chuỗi hoạt động nội bộ, kết nối cán bộ, nhân viên tham gia phân loại rác tại văn phòng làm việc, lắp đặt hệ thống thùng rác vô cơ và hữu cơ... Theo FrieslandCampina Việt Nam, năm 2019, hoạt động này làm giảm 18% lượng rác thải hỗn hợp của bãi chôn lấp, tái chế 90% lượng chất thải tại nhà máy. Các công ty như Tetra Pak còn kêu gọi gần 350 nhân viên tham gia dọn sạch bãi biển Hồ Tràm. 300 nhân viên Nestlé Việt Nam thu gom gần 1,2 tấn rác thải trên bãi biển.
Ngoài ra, từ  năm 2020 đến năm 2030, PRO Việt Nam sẽ thực hiện ba hoạt động chính theo lộ trình, bao gồm thay đổi hành vi, thu gom rác thải có hiệu quả và cuối cùng là tái chế.
Để hiện thực hóa những dự định đó, vào tháng 4/2021, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam - PRO việt Nam và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm thực hiện Chương trình "Quản lý, phân loại rác thải tái chế nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn”. 
URENCO và PRO Việt Nam hợp tác với mong muốn cùng nhau thực hiện các hoạt động nhằm gia tăng tỷ lệ thu gom và tái chế nhựa, bao bì và các loại rác thải có thể tái chế khác nhằm thúc đẩy xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Hai đơn vị đã thiết lập các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể như sau: Xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy mô hình phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tái chế trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông: Thiết kế, tập huấn, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, đồng thời hướng dẫn phương pháp phân loại rác tại nguồn từ đó thay đổi thói quen, hành vi cho cộng đồng trong việc phân loại, thu gom rác thải tái chế. Xây dựng mạng lưới kết nối giữa các đơn vị thu gom vận chuyển - đơn vị tái chế trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu, đề xuất với các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý nhằm tạo ra các cơ chế khuyến khích và điều kiện thị trường thuận lợi đối với chất thải tái chế.
Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của PRO Việt Nam, URENCO và của cộng đồng sẽ sớm hình thành thói quen phân loại rác, thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, nhất là thế hệ trẻ, cùng chung tay tạo những sáng kiến xây dựng một Việt Nam xanh, sạch, đẹp. 
                                                                                                                                                 
 Lam Vy


Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường 



  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.