Đừng biến hồ Trị An thành vùng nước chết

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/3/2017 | 3:50:36 Chiều

(capthoatnuocvietnam.vn)- Nghiêm trọng hơn, khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An có thể sẽ bị biến thành vùng nước chết...

Hồ Trị An

TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trường Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết, hồ Trị An lại là một trong ba vùng lõi của thuộc khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai và hiện là khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Nó gồm Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai, khu Ramsar Bàu Sấu.

Việc đưa thêm vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu và Khu bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa Trị An cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên (vùng lõi đã được UNESCO công nhận trước đó) tạo nên ba vùng lõi làm thành vùng hành lang bảo tồn mang tính tổng thể, toàn vẹn của các hệ sinh thái đặc trưng cho vùng nhiệt đới tại Đồng Nai.

Trong đó, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An với diện tích lúc ngập nước vào khoảng 32.400 ha có xen lẫn một số đảo. Khu này gồm toàn bộ vùng hồ Trị An và các vùng phụ cận thuộc sông Đồng Nai với đa dạng thành phần loài cá và các loài thủy sinh vật khác tạo nên chuỗi và lưới thức ăn phong phú trong hệ sinh thái ao hồ đặc trưng vùng nhiệt đới.

Ngoài ra, hồ Trị An còn là khu vực thượng nguồn có vai trò cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn lợi thủy sản cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Vì vậy, tại Việt Nam hay nhiều nước trên thế giới đều không khuyến khích phát triển du lịch với quy mô lớn, khả năng gây ô nhiễm cao tại những khu vực này.

Vấn đề bảo tồn đất ngập mặn kết hợp với phát triển du lịch là bài toán rất khó, phải được tính toán chu toàn, kín kẽ. Ở nước ngoài cũng có nước đã tận dụng những khu vực này để phát triển du lịch, tuy nhiên, cách thức phát triển du lịch của họ rất khác Việt Nam.

Đó là phát triển du lịch gắn với du lịch sinh thái, đó là du lịch cộng đồng, là du lịch xanh bằng các hình thức tổ chức những tour du lịch sinh thái, những tour du lịch  văn hóa mang tính chất tuyên truyền, giáo dục, hình thành trung tâm thông tin du lịch cộng đồng...

Còn ở Việt Nam, ông cho biết, rất nhiều những khu du lịch tâm linh được mở ra tại những khu vực di sản nhưng đi theo đó là các hạng mục ăn uống, nhà hàng, khách sạn... được tính toán xây dựng tại các khu vực này. Với dự án trên lòng hồ Trị An dễ nhìn thấy một sự mâu thuẫn rất lớn thể hiện ngay ở ý tưởng của các nhà đầu tư cần phải lưu tâm.

Trước hết phải hiểu rằng, du lịch tâm linh nghĩa là nơi thanh tịnh, yên tĩnh, du khách đến đây là để thành tâm tưởng niệm. Tuy nhiên, đối diện với một khu vực tâm lĩnh thanh tịnh lại là một khu vực nhà hàng, khách sạn, là khu vui chơi, giải trí ồn ã, xô bồ. Bản thân ông cũng không hiểu ý đồ thực sự của nhà đầu tư là gì?

Vấn đề tiếp theo, ông cho biết, khi nhìn vào tổng thể quy hoạch của dự án thì thấy dự án sẽ xây dựng trên hai đảo Ó và đảo Đồng Trường trong lòng hồ Trị An, cũng là khu vực thượng nguồn của khu vực dự trữ sinh quyển của toàn khu vực.

Trong đó, dự định sẽ dành một diện tích lớn dùng để làm khu công viên nước, khu dịch vụ vui chơi giải trí, khu tổ chức các hoạt động dưới nước; khu văn hóa tâm linh, khu khách sạn - nhà hàng - casino - sân tập golf trên mặt nước; nhà nghỉ dưỡng quy mô nhỏ, riêng biệt… và có cả hệ thống cáp treo. Đây là vấn đề đáng lo ngại.

Việc phát triển sân golf tại khu vực này chắc chắn sẽ gây ra những tác động lớn, có nguy cơ phá vỡ hoàn toàn sự cân bằng sinh thái của toàn khu vực dự trữ sinh quyển.

Nghiêm trọng hơn, đó còn là nguy cơ hủy diệt sự sống của các nguồn lợi thủy sản có thể sinh sống trong phạm vi khu dự trữ sinh quyển của Đồng Nai, gây xáo động đời sống, môi sinh của các loài động, thực vật bao gồm cả khu vực vườn quốc gia Cát Tiên.

Bởi khi phát triển sân golf những hoạt động trồng cỏ, phun thuốc trừ sâu, phân bón sẽ ngấm vào đất, môi trường đe dọa nghiêm trọng tới nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước trong lòng hồ.

Bên cạnh đó, việc phát triển nhà hàng, khách sạn cũng sẽ đi cùng với việc xả rác, nước thải nếu không được xử lý cũng sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng tới nguồn nước khu vực này.

Hơn nữa, đối với những khu vực bảo tồn thiên nhiên, để tránh gây cảnh xáo trộn đời sống của các loài động vật sinh sống trong rừng việc ra vào đi lại của con người cũng là rất hạn chế, tuy nhiên, nếu phát triên nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, nghỉ dưỡng  tại đây sẽ đi ngược với nguyên tắc trên.

Nếu sự xâm ngại quá nghiêm trọng rất có thể sẽ khiến những loài động vật đang sinh sống ở đây hoảng sợ mà bỏ đi nơi khác.

                                                                                Theo Báo Đất Việt

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.