Những quốc gia đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí và tiêu thụ năng lượng

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/3/2017 | 3:52:11 Chiều

(capthoatnuocvietnam.vn)- Hàng loạt các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng cùng mức độ sử dụng năng lượng hóa thạch đáng báo động.

Trung Quốc là một thí dụ tiêu biểu với hình ảnh bầu không khí mờ mịt bởi khói bụi dày đặc tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải. Trước tình trạng đó, nhà chức trách nước này đã lên kế hoạch giảm 30% lượng tiêu thụ than vào năm nay, thay vào đó là sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Trong khi đó tại Mỹ, đất nước đứng thứ tám về mức độ ô nhiễm không khí nặng nề, lại có một hướng đi ngược lại. Tổng thống Donald Trump cho biết, ông dự định sẽ hồi sinh ngành công nghiệp than đá tại nước này theo lời hứa trong đợt tranh cử tổng thống vừa qua.

Tuyên bố này của ông Trump vấp phải sự chỉ trích của các nhà chuyên môn về mức độ ô nhiễm của nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường đang được đề cao. Quốc hội Mỹ cũng đang thảo luận để bãi bỏ một số các quy định về môi trường và sức khỏe.

Những con số dưới đây cho thấy tình trạng môi trường trên thế giới với các khía cạnh về tiêu thụ, sử dụng năng lượng, mức độ ô nhiễm không khí, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

PM 2,5 là đơn vị phổ biến để đo mức độ ô nhiễm không khí, chỉ mật độ các hạt bụi nhỏ dưới 2,5 micromet trong 1m3 không khí. Kích thước này tương đương với kích thước của vi khuẩn, mắt thường không thể nhìn thấy và được đánh giá là vô cùng nguy hiểm vì có thể gây ra các bệnh phổi như suyễn, tắc nghẽn phổi…

WHO khuyến cáo, mức an toàn của không khí là khi chỉ số PM 2,5 dưới 10. Khi chỉ số này chạm ngưỡng 35, không khí đã cực kỳ ô nhiễm và trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Một số thành phố lớn của Trung Quốc đã đạt ngưỡng 500 PM 2,5. Tuy nhiên, xét tổng thể trên toàn quốc gia, A-rập Xê-út là nước có không khí ô nhiễm bậc nhất trên thế giới. Lý do chính được kể tới là do tác động của ngành công nghiệp dầu mỏ ở nước này.

Tỷ lệ tử vong do chất lượng không khí tồi tệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài ô nhiễm không khí như mật độ dân số.

Các nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới tập trung ở Trung Á và Tây Á, trong khi tại những quốc gia có nền kinh tế phát triển như Australia, Mỹ, các quốc gia bán đảo Scandinavia có tỷ lệ tử vong rất thấp.

Hàng nghìn nghiên cứu và điều tra khoa học trong vài thập kỷ qua cho thấy, sự phát triển công nghiệp ồ ạt và khai thác quá mức các nguồn nhiên liệu hóa thạch chính là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Việc thải quá mức carbon ra môi trường mà không qua xử lý sẽ càng đẩy nhanh quá trình này.

Điều này lý giải cho việc đa số các quốc gia trong tốp thải khí thải ra môi trường ít nhất đều là những nước kém phát triển và đang phát triển, tập trung nhiều ở khu vực Trung Phi.

Với những dữ liệu về tiêu thụ điện, nguyên nhân lý giải cũng tương tự với tỷ lệ carbonic thải ra môi trường. Các quốc gia thuộc tốp dưới xét về mức độ lớn mạnh của nền kinh tế thường sử dụng ít điện năng hơn, bởi không phải tất cả người dân ở những quốc gia này được tiếp cận với nguồn điện quốc gia một cách đầy đủ và liên tục.

Mặc dù bị đánh giá không cao về chất lượng không khí cũng như việc tiết kiệm trong sử dụng năng lượng, nhưng Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là ba quốc gia đầu bảng về sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Đơn vị đo ở trong biểu đồ là TOE – tấn dầu tương đương – miêu tả tương quan giữa năng lượng tái tạo được sử dụng và năng lượng tạo ra từ việc đốt dầu mỏ trong một năm. Con số càng lớn cho thấy việc thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch đã được thay thế hiệu quả bằng những nguồn năng lượng sạch.

HẢI LONG (nhandan.com.vn)

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.