Bốn thành phố Việt Nam hướng tới giảm phát thải các-bon

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/3/2017 | 2:35:21 Chiều

(capthoatnuocvietnam.vn)- Huế, Đà Nẵng, Hội An và Đông Hà công bố tham gia chương trình toàn cầu do WWF khởi xướng nhằm khuyến khích các thành phố trên khắp thế giới chuyển đổi theo mô hình phát triển đô thị bền vững thông qua các giải pháp về khí hậu đầy sáng tạo, đổi mới và tham vọng.

Các thành phố phát thải 70% lượng các-bon trên toàn cầu. Trong chương trình Thành phố xanh, WWF hai năm một lần sẽ đánh giá và trao giải cho các thành phố vì những nỗ lực toàn diên trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng, các giải pháp về giao thông và đi lại nhằm tạo sức mạnh cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang một tương lai giảm phát thải các-bon và có khả năng chống chịu được với những tác động của biến đổi khí hậu. 
 
Ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc của WWF Quốc tế phát biểu: “Các thành phố có thể là hình mẫu và nguồn cảm hứng cho một thế giới bền vững. Những chính sách khí hậu tiến bộ của chính quyền địa phương có thể giảm đáng kể tác động của giao thông, nhà ở và các lĩnh vực phát thải nhiều các-bon khác, qua đó, tạo nên những thành phố xanh hơn, khoẻ mạnh hơn và đáng sống hơn cho con người.” 
 
Chương trình Thành phố xanh (OPCC) khuyến khích các kế hoạch và hỗ trợ của các thành phố trong nỗ lực toàn cầu về biến đổi khí hậu, bao gồm các mục tiêu đã đề ra trong Hiệp định Paris. Năm nay chương trình có 25 nước đăng kí tham gia, các thành phố có quan tâm xin đăng ký tại trang carbonn® Climate Registry (cCR, http://carbonn.org/climateregistry/), trang dữ liệu toàn cầu cho báo cáo khí hậu của các địa phương tham gia được quản lý bởi Ủy ban Quốc tế về các sáng kiến môi trường địa phương (ICLEI). 
 
“Việc chủ động xây dựng và đệ trình các hành động về Biến đổi khí hậu là một cách để chính quyền địa phương chứng minh được vai trò quan trọng của mình trong những nỗ lực toàn cầu về khí hậu,” ông Gino Van Begin, Tổng thư ký của ICLEI cho biết. “Kể từ khi ra đời, trang dữ liệu carbonn® Climate Registry đã tiếp nhận hơn 6.100 cam kết về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu của hơn 700 thành phố, thị trấn, quốc gia và khu vực trên khắp thế giới.” 
 
Năm ngoái, thành phố Huế là đại diện duy nhất và đầu tiên của Việt Nam tham dự chương trình. Cùng với 17 thành phố khác trên thế giới, Huế tự hào nhận danh hiệu Thành phố Xanh Quốc gia. Để có được danh hiệu này, Huế đã cam kết đến năm 2020, thành phố sẽ giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải của năm 2011 và 06 kế hoạch hành động tập trung vào xanh hoá đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường. 
 
Sự quyết tâm và hành động của Huế đã truyền cảm hứng cho các thành phố Đông Hà, Đà Nẵng và Hội An. Năm nay, ba thành phố này sẽ tham gia chương trình OPCC 2017 – 2018. Các cam kết và hành động để giảm phát thải các-bon sẽ được các thành phố xây dựng trong thời gian tới với sự hỗ trợ kỹ thuật của WWF-Việt Nam.
 
Bốn[-]thành[-]phố[-]Việt[-]Nam[-]hướng[-]tới[-]giảm[-]phát[-]thải[-]các-bon[-]
 
Bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý chương trình Năng lượng Bền vững của WWF-Việt Nam nói: “Chúng tôi vô cùng tự hào với nhiệt huyết và cam kết của các thành phố đối với việc giảm phát thải các-bon – một xu hướng toàn cầu hiện nay và cũng mong muốn được chào đón nhiều thành phố hơn nữa tham gia OPCC 2017-2018. Chúng ta luôn ngưỡng mộ các thành phố trên thế giới như thành phố Amsterdam với những chính sách sáng tạo dành cho giao thông công cộng, thành phố Seoul vì những tham vọng táo bạo trong sử dụng năng lương tái tạo. Giờ đây chúng ta có thể tự hào về những thành phố của Việt Nam trong những cam kết và hành động cụ thể chống lại biến đổi khí hậu.” 
 
Cam kết và kế hoạch của các thành phố sẽ được đánh giá bởi hội đồng chuyên gia quốc tế độc lập trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quy hoạch đô thị và giao thông cho tới hành vi tiêu dùng và hệ thống năng lượng. Những thành phố có mục tiêu tham vọng nhất sẽ đạt danh hiệu Thành phố Xanh Quốc gia, và một trong số các thành phố này sẽ được tôn vinh là Thành phố Xanh Quốc tế của OPCC. 
 
Năm 2017 là năm thứ 5 thực hiện chương trình. Kể từ khi ra đời, Chương trình Thành phố Xanh, đã thu hút được sự tham gia của hơn 320 thành phố tại 5 châu lục. Đề xuất của các thành phố sẽ được xem xét với những tiêu chí được đặt ra bởi WWF, đặc biệt tập trung vào:
 
Mức độ tham vọng và khả năng thực hiện các cam kết và những hành động tạo ra biến chuyển lớn;
 
Khả năng tích hợp các hoạt động vào kế hoạch hành động toàn diện và bao quát về khí hậu;
 
Xác định rõ ràng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính dựa trên cơ sở minh bạch và được tính toán khoa học; và
 
Phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề giao thông đô thị. 
 
Danh sách các thành phố lọt vào vòng chung kết sẽ được công bố vào mùa xuân năm 2018. 
Nguyễn Phương Ngân (WWF-Việt Nam)
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.