Quảng Trị: Dân kêu trời vì ô nhiễm môi trường tại Khu Công nghiệp
- Cập nhật: Thứ ba, 21/3/2017 | 4:01:31 Chiều
(capthoatnuocvietnam.vn)- Theo phản ánh của người dân, về việc ô nhiễm môi trường nước và khí thải tại Khu Công nghiệp (KCN) Quán Ngang khiến cá và ốc chết hàng loạt còn nước giếng có hiện tượng đổi màu, bốc mùi hôi thối khó chịu làm cho người dân trên địa bàn Đội 3, thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị phải chịu đựng trong suốt thời gian vừa qua.
Mương thoát nước thải của KCN Quán Ngang đổ ra môi trường.
Ông Đoàn Minh Cảnh, sinh năm 1962 ở Đội 3, thôn Hà Thanh cho biết: “chúng tôi là những người nông dân quanh năm chỉ biết bám mặt cho đất, bám lưng cho trời nhưng hiện nay do ô nhiễm nguồn nước từ KCN Quán Ngang khiến dân chúng tôi nuôi cá thì cá chết, nuôi ốc thì ốc không còn và nước giếng đen ngàu, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn chắc chúng tôi phải bỏ làng để đi nơi khác ở”.
Ông Đoàn Minh Cảnh, ở Đội 3, thôn Hà Thanh chỉ giếng nước của gia đình ông bị đổi màu, bốc mùi hôi.
Tương tự, ông Hồ Văn Minh ở Đội 3 cũng phản ánh: “ở gần KCN khổ lắm các anh ơi, mùa đông thì ngập nước chân tay lở loét, còn mùa hè các ống khói từ KCN thải ra có biểu hiện ngạt thở, mắt bị cay đôi lúc ngồi trong nhà phải đeo khẩu trang”. Ông Minh nói thêm “mặc dù ở gần trung tâm của xã nhưng các hộ dân chúng tôi đây không có nước sạch để sử dụng, phải đào giếng để lấy nguồn nước ngầm nhưng hiện nay giếng nước có màu lạ chúng tôi không dám uống và sinh hoạt phải đi mua từng bình nước lọc nơi khác về để dùng”.
Bà Đoàn Thị Liễu, ở Đội 3, thôn Hà Thanh do dẫm lên nguồn nước thải ra từ KCN nên chân, tay bị lỡ loét phải điều trị tại bệnh viện TW Huế.
Cá và ốc chết hàng loạt
Ông Trần Ngọc Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Châu cho biết: “người dân ở Đội 3, thôn Hà Thanh phản ánh, hiện tượng cá và ốc chết tại khu vực 2 bên đường quốc lộ 1A gần khu vực cổng chào KCN Quán Ngang là có thật; xã tiến hành kiểm tra và đã lập biên bản vào ngày 31/11/2016. Trước mắt mong muốn cấp trên sớm tìm ra nguyên nhân để người dân an tâm, đồng thời hỗ trợ nguồn kinh phí để người dân (ở gần KCN) được đấu nối và sử dụng nguồn nước sạch.
Phóng viên làm việc với ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, được biết: “Việc người dân phản ánh cá, ốc chết, giếng nước đổi màu đen ở khu vực hai bên đường quốc lộ 1A (gần khu vực cổng chào KCN Quán Ngang) là đúng với thực tế. Hiện tại, khu vực mà người dân phản ánh đang có tuyến mương thoát nước thải của KCN Quán Ngang đổ ra.
Vừa qua, UBND huyện đã về kiểm tra thực tế, đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường (TM&MT) đồng thời chỉ đạo UBND xã Gio Châu tiếp tục theo dõi, nếu phát hiện có hiện tượng cá, ốc chết phải kịp thời báo cáo lên UBND huyện và các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý”.
Sau khi nhận được thông tin từ UBND huyện Gio Linh, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo sở TN&MT phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế, về tại Đội 3, thôn Hà Thanh lấy mẫu nước để làm rõ nguyên nhân tại sao cá chết.
Sau đó sở TN&MT trả lời nước từ KCN Quán Ngang thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép.
Sở TN&MT Quảng Trị trả lời nước từ KCN Quán Ngang thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép?.
Sau khi có kết quả nước thải ra từ KCN Quán Ngang “đạt tiêu chuẩn cho phép” của Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị, cá và ốc của người dân nuôi ở khu vực này vẫn chết hàng loạt; họ tiếp tục gởi đơn kêu cứu. Sở TN&MT lại về lấy mẩu, nhưng đến nay nguyên nhân cá, ốc chết và nguồn nước giếng đổi màu vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Ông Phan Văn Nghi yêu cầu các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra quan trắc hệ thống xả thải của KCN Quán Ngang, đồng thời yêu cầu các các nhà máy trong KCN phải đưa vào hệ thống xả thải tập trung.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tỉ lệ các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15-20%. Một số KCN có xây dựng hệ thống nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành để giảm chi phí. Có nơi, hoạt động của các nhà máy trong KCN đã phá vỡ hệ thống thủy lợi, tạo ra những cánh đồng hạn hán, ngập úng và ô nhiễm nguồn nước tưới, gây trở ngại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp; từ đó gây bất bình, dẫn đến những phản ứng từ phía người dân, có nơi rất gay gắt.
Cái Văn Long (congluan.vn)
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.