TP.HCM: Quản lý nguồn nước trong điều kiện BĐKH
- Cập nhật: Thứ năm, 23/3/2017 | 4:25:28 Chiều
(Capthoatnuocvietnam.vn)- TP.HCM là địa phương có mức tiêu thụ nước sạch lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước cấp cho TP.HCM ngày càng bị suy giảm với nhiều nguy cơ ô nhiễm. Đặc biệt, tình trạng BĐKH diễn biễn ngày càng phức tạp đang đe dọa đến chất lượng nguồn nước và công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn TP.HCM.
Tình trạng BĐKH gây tác động trực tiếp đến nguồn nước của TP.HCM
Tại Hội thảo “Quản lý nguồn nước trên địa bàn thành phố trong điều kiện biến đổi khí hậu” do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức ngày 22/3, ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Khác với vùng đồng bằng sông Cửu Long, các nguồn nước có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, nhưng đối với TP.HCM nước không những gắn với nông nghiệp mà còn có ảnh hưởng trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đến đời sống của hơn 10 triệu dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố. Tại TP.HCM, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác với tổng lượng 1,7- 2 triệu m3 ngày đêm.
Chất lượng nguồn nước suy giảm
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biển đảo ( Sở TN&MT TP.HCM) cho biết: chất lượng nguồn nước mặt của TP.HCM đang bị ô nhiễm, trong đó nước sông Đồng Nai từ Hóa An về Cát Lái đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và đang bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Trên sông Sài Gòn, nguồn nước đang bị ô nhiễm vi sinh cao. Nước mặt khu vực Nhà Bè và vùng Cần Giờ đang bị ô nhiễm vi sinh và dầu mỡ. Chất lượng nước của các kênh rạch trên địa bàn thành phố chỉ đạt tiêu chuẩn loại B và bị ô nhiễm vi sinh rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Hội Nước và Môi trường TP.HCM cho biết, nguồn nước ngầm của TP.HCM với trữ lượng khai thác an toàn 951.000 m3/ngày, là một nguồn nước lớn để góp phần giải quyết nhu cầu sử dụng nước. Tuy nhiên, chất lượng nước ngầm không đồng đều, nhiều khu vực như huyện Cần Giờ, quận 7, huyện Nhà Bè nước ngầm thường nhiễm mặn, phèn và việc khai thác nước ngầm quá mức có thể làm cho mực nước ngầm bị hạ thấp, dẫn đến hiện tượng sụt lún đất trên địa bàn.
Đặc biệt, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Trần Văn Thạch, hiện nay nguồn nước trở nên là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết trước tác động của BĐKH. TP.HCM nằm ở hạ nguồn hệ thống sông Sài Gòn- Đồng Nai, có 20km đường bờ biển, là một vùng châu thổ có địa hình thấp nên có nguy cơ bị tác động lớn bởi BĐKH, đặc biệt là mực nước biển dâng, có khả năng gây thiệt hại kinh tế có thể lên đến 10% GDP.
Quang cảnh Hội thảo “Quản lý nguồn nước trên địa bàn thành phố trong điều kiện biến đổi khí hậu” do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức ngày 22/
Chế độ mưa thay đổi có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa, và hạn hán nhiều hơn vào mùa khô, làm suy giảm nguồn tài nguyên nước và tăng mâu thuẫn trong khai thác và sử dụng. Cụ thể mùa khô năm 2015 đầu 2016 có những ngày Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) phải ngưng lấy nước thô do độ mặn nược sông Sài Gòn quá cao. Hay gần đây nhất là vào ngày 26/9/2016, đã xuất hiện trận mưa lớn trên diện rộng đã gây ngập nhiều tuyến đường (59 tuyến đường); chiều sâu ngập từ 0,1m đến 0,5m; diện tích ngập từ 100 m2 đến 30.000 m2.
“Trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội một cách bình thường, thì vấn đề giải quyết đủ nước sạch cho các nhu cầu của TP.HCM đã là một vấn đề khó khăn, dưới tác động của BĐKH thì vấn đề cấp nước càng khó khăn hơn nhiều” – Phó Giám đốc Sở TN&MT Trần Văn Thạch nhấn mạnh.
Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả
Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, để giảm thách thức cho nguồn nước của TP.HCM trước quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu, TP.HCM cần sớm hoàn thành quy hoạch phát triển không gian đô thị, các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các ngành nhằm đưa công tác phát triển thành phố hài hòa, thân thiện với môi trường (cơ chế phát triển xanh).
Chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn TP.HCM đang bị suy giảm
Tăng cường các biện pháp bảo vệ chất lượng nước, chống ô nhiễm từ các nguồn thải công nghiệp và sinh hoạt, bảo đảm các nguồn nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi đổ vào các nguồn tiếp nhận.
Đặc biệt, cần tăng cường nhận thức của cộng đồng về sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm và hợp lý, có hiệu quả, đảm bảo an toàn cung cấp đủ nước cho mọi nhu cầu.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Phước cho rằng, TP.HCM cần xác định các giải pháp khoa học công nghệ phù hợp như: quy hoạch tổng thể lưu vực sông, thay đổi các tiêu chuẩn kỹ thuật các công trình khai thác và sử dụng nước, kiểm soát ô nhiễm nước, thoát lũ, tiêu ứng, chống xâm nhập mặn và giữ ngọt.
Đồng thời, TP.HCM cần phát triển nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về BĐKH; tăng cường hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH; lồng ghép vấn đề BĐKH trong các chính sách phát triển KT – XH; xây dựng chương trình, kế hoạch thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước…
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Trần Văn Thạch chia sẻ: Hiện nay, Sở TN&MT TP.HCM đang tập trung triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi ( một trong 7 chương trình đột phá triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa X) với nhiều biện pháp cụ thể về bảo vệ nguồn nước trong điều kiện BĐKH.
Nguyễn Thanh (báo TN&MT)
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.