Làm sạch môi trường, đẩy lùi dịch bệnh

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/7/2017 | 10:11:52 Sáng

(Capthoatnuocvietnam.vn)- Những ngày qua, số ca mắc mới sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng, dù chính quyền các địa phương đã vào cuộc, ngành Y tế triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống dịch. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là người dân chưa tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh.

Nhiều dụng cụ, đồ phế thải tại các gia đình có chứa nước và bọ gậy.

Nguồn gây bệnh trong phế thải

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, gần đây, trung bình mỗi tuần trên địa bàn toàn thành phố ghi nhận 500-600 trường hợp mắc mới sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có gần 3.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2016). PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Chỉ có hai biện pháp phòng bệnh là diệt muỗi trưởng thành và diệt bọ gậy. Thế nhưng, qua khảo sát cho thấy, nhiều người chưa có ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này. 

Theo điều tra, nhà ông Nguyễn Đình Nhâm (ở ngõ 5, đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) có tới 14 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có cả sinh viên thuê trọ. Những bệnh nhân này đã được điều trị khỏi. Cán bộ y tế đã nhiều lần đến nhà ông Nhâm phun hóa chất, khoanh vùng ổ dịch, đồng thời tuyên truyền về cách phòng dịch bệnh đến từng người. Thế nhưng, quay lại nhà ông Nhâm không lâu sau đó, đoàn cán bộ của Sở Y tế Hà Nội lại phát hiện nguồn gây bệnh là các ổ bọ gậy trong số lốp xe đạp, xe máy và xe ô tô mà gia đình ông mua về, xếp trên mái nhà để ngăn gió bão.

Gia đình anh Nguyễn Tiến Bính (ở 194 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) chuyên mua bán phụ tùng ô tô cũ. Trong khu nhà có hơn 1.800 chiếc lốp ô tô các loại, phần lớn được để ngoài trời. Mưa xuống, nước đọng trong lốp xe, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh trưởng. Sở Y tế Hà Nội cũng đã phát hiện nhiều ổ bọ gậy tại đây… 

ThS Đỗ Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, quận đã tổ chức nhiều đợt cao điểm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết. Qua kiểm tra tại hơn 39.000 hộ gia đình, cán bộ y tế phát hiện 1.949 dụng cụ chứa nước có bọ gậy. Các dụng cụ này đã được lật úp, thả cá, thả hóa chất để diệt bọ gậy, hạn chế sự sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. “Người dân có kiến thức về bệnh, biết cách phòng bệnh nhưng chưa thường xuyên dành thời gian cho công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy ngay tại gia đình”, ThS Đỗ Thị Thu Hà nói.

Cần thay đổi hành vi 

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho rằng, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống xung quanh chúng ta và thường đẻ trứng ở những chỗ nước trong. Ổ bọ gậy tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên sân thượng, lan can... Vào mùa hè, các ổ bọ gậy thường tập trung ở các khay nước thải điều hòa, dụng cụ chứa nước thải tủ lạnh; trong bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, xô, chậu, máng nước cho gia súc, gia cầm, bể cây cảnh, đồ phế thải, mảnh chum vỡ, lốp xe... Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. 

Theo Sở Y tế, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết chưa có gì thay đổi so với những năm trước đây. Biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tích cực triển khai công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi, tránh để muỗi đốt. Việc diệt bọ gậy nên được thực hiện mỗi tuần nhằm bảo đảm loại trừ điều kiện sản sinh ra muỗi truyền sốt xuất huyết - yếu tố quan trọng nhất trong công tác phòng, chống loại dịch bệnh này. Ngoài ra, việc phun hóa chất tiêu diệt muỗi trưởng thành cũng là giải pháp cần thiết nhằm phòng, chống và xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết.

Trong thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô, chính quyền các địa phương cùng người dân đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, vẫn còn nhiều hộ dân chưa hiểu đúng về sự nguy hiểm của muỗi vằn cũng như căn bệnh này nên chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Để hướng tới một môi trường xanh - sạch - đẹp, không có bọ gậy, không có dịch sốt xuất huyết, từng cá nhân cần nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là không vứt rác, vứt phế thải bừa bãi…
Thu Trang (hanoimoi.com.vn)
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.