Thiên nhiên dữ dội: Mỹ di dời cả một thị trấn vì biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/7/2017 | 10:52:43 Sáng

(Capthoatnuocvietnam.vn)- Nước đang dần tiến sát đến nhà của Rita Falgout, vỗ bập bềnh ở rìa sân trước nhà bà. Nhà của bà Falgout là một trong số 29 ngôi nhà trên đảo Isle de Jean Charles, một hòn đảo nhỏ ở vùng vịnh đông năm Louisiana đang dần chìm xuống vịnh Mexico. Chỉ có thể tiếp cận hòn đảo này, nhà của những thành viên các bộ tộc Biloxi-Chitimacha-Choctaw và Houma, bằng một con đường độc đạo đi qua vùng đầm lầy với hai bên là nước. Từ năm 1955, hòn đảo này đã mất 98% diện tích đất.

Ảnh: Quartz

“Bây giờ chỉ còn lại một dải đất nhỏ,” bà Falgout, năm nay đã 81 tuổi, chia sẻ với tờ Quartz. “Đó là tất cả những gì chúng tôi có. Nước ở khắp quanh nhà chúng tôi.” Bà là một trong số 100 người còn đang sống trên đảo Isle de Jean Charles. Có rất ít người ở ngoài kia biết hay quan tâm đến những gì đang xảy ra ở đây. “Tôi rất muốn được rời đi,” bà nói.

Ở đầu kia của nước Mỹ, một ngôi làng nhỏ với dân số khoảng 350 người bên bờ sông Ninglick ở rìa tây Alaska cũng đang phải đối mặt với những rắc rối tương tự. Tại Newtok, mực nước biểndâng và băng vĩnh cửu đang tan do biến đối khí hậu, cũng có nghĩa là sông Ninglick đang dần làm xói mòn đất.


“Họ nhìn dòng sông chồm về phía mình. Tất cả đều chấp nhận, họ đều biết mình phải rời đi,” Joel Neimeyer, đồng chủ tịch Ủy ban Denali, một cơ quan liên bang có nhiệm vụ điều phối hỗ trợ của chính phủ cho hoạt động khôi phục bờ biển ở Alaska chia sẻ. “Dòng sông lấn vào 70 feet (khoảng 21 mét) mỗi năm. Bạn chỉ cần lấy một cái thước dây ra là đo được.”


Cả hai thị trấn chỉ còn lại một lựa chọn khủng khiếp sẽ đến với rất nhiều người sống ở các vùng ven biển trên khắp nước Mỹ đang có nguy cơ bị ngập nước khi mực nước biển tiếp tục dâng: Di dời, hoặc tàn lụi. Nhưng rồi họ nghe về một cuộc thi lạ thường, chưa từng có ở đâu do chính quyền tổng thống Obama tổ chức, mang lại cơ hội tái định cư. Cuộc thi thích ứng với thiên tai quốc gia (NDRC) được chính phủ liên bang tổ chức với mục tiêu giúp các cộng đồng và các bang hồi phục từ các thiên tai trước đó và giảm bớt các nguy cơ trong tương lai.


“Những gì đang xảy ra ở Alaska không chỉ là lời báo trước về những gì sẽ xảy ra với chúng ta nếu không hành động, mà còn là tiếng gọi thức tỉnh chúng ta. Tiếng chuông cảnh báo đã điểm rồi.” (Barack Obama)


Đối với cả Isle de Jean Charles và Newtok, cuộc thi đã mang lại hy vọng. Nó cũng cho thấy rằng những người có quyền lực dù ở xa nhưng vẫn quan tâm đến họ. Tổng thống Barack Obama đã tới thăm Alaska hồi tháng 9/2015, vài tháng trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Paris đề ra một thỏa thuận khí hậu toàn cầu toàn diện mang tính bước ngoặt, và nói, “Những gì đang xảy ra ở Alaska không chỉ là lời báo trước về những gì sẽ xảy ra với chúng ta nếu không hành động, mà còn là tiếng gọi thức tỉnh chúng ta. Tiếng chuông cảnh báo đã điểm rồi.”


Khi biến đổi khí hậu tác động lên những diện tích lớn hơn tại các thị trấn ven biển ở Mỹ, ý tưởng di cư do biến đổi khí hậu không còn là một khái niệm trừu tượng chỉ tác động đến những hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương nữa. Một nghiên cứu hồi tháng 3/2016 cho thấy khi mực nước biển dâng 1,8 mét vào năm 2100, cùng với việc các chỏm băng ở địa cực sụp đổ, 13,1 triệu người Mỹ sống dọc các bờ biển sẽ mất nhà cửa do sóng thần. Ngay cả khi mực nước biển chỉ dâng khiêm tốn 1 mét, 4 triệu người cũng sẽ trở thành vô gia cư.


Với việc dân số Mỹ chủ yếu tập trung ở các khu vực ven biển đông dân, nguy cơ này đặt ra những câu hỏi cấp thiết cho chính phủ. Họ sẽ chuyển mọi người đi đâu? Làm thế nào để di dời cả một thành phố hay thị trấn? Ai sẽ trả tiền để làm việc đó? Và, có lẽ là vấn đề gây tranh cãi nhất: họ sẽ giúp ai đầu tiên?

 

Con đường độc đạo dẫn đến đảo Isle de Jean Charles. (Văn phòng Phát triển Cộng đồng Louisiana)


Cuộc thi của ông Obama được tổ chức trong một tình huống đặc biệt. Sau khi cơn bão Sandy đổ bộ vào bờ đông nước Mỹ năm 2013, Quốc hội đã thông qua một dự luật trao 16 tỷ USD trợ cấp khắc phục dài hạn cho Cục Phát triển Nhà ở và Đô thị (HUD). Số tiền trao cho HUD được dùng để chi cho hoạt động khắc phục hậu quả của cơn bão Sandy và các thiên tai khác xảy ra từ năm 2011 đến năm 2013.


Marion McFadden, phó thư ký trợ lý cho các chương trình trợ cấp tại HUD tại thời điểm đó, cũng là người giám sát cuộc thi cho biết việc đặt mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai như một cuộc cạnh tranh giúp bảo đảm cơ quan này sẽ tài trợ cho những giải pháp sáng tạo, tiên tiến nhằm xây dựng lại cơ sở vật chất. HUD đã có kinh nghiệm tốt với chương trình Rebuild By Design (Xây dựng lại theo thiết kế) năm 2013, một cuộc thi thu hút các nhóm nhà thiết kế, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà sinh thái học và thủy văn học đưa ra các giải pháp cải thiện sự hồi phục tại những khu vực bị bão Sandy tàn phá.


Vậy là sau khi dành một số tiền lớn để tái thiết sau bão Sandy, HUD đã để ra 1 tỷ USD và công bố cuộc thi vào tháng 10/2014. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các vấn đề khó khăn không quay trở lại với số tiền chúng tôi cấp và chúng tôi thực sự đang tìm kiếm sự đổi mới,” McFadden cho biết.


Cuộc thi diễn ra với 2 vòng. Chính quyền tất cả các địa phương và các bang từng trải qua thiên tai lớn theo tuyên bố của tổng thống từ năm 2011 đến năm 2013 hoặc từng nhận tiền tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai từ HUD đều được mời dự thi. Các đơn vị này bao gồm 48 bang, cộng thêm Puerto Rico, Washington D.C. và một số chính quyền địa phương.


Di dời cả một thị trấn hay làng mạc không phải là mục tiêu của cuộc thi – bạn có thể đưa ra bất kỳ giải pháp nào – nhưng Newtok đã nhìn ra cơ hội của mình. Ở Alaska, một nhóm 5 người thuộc 4 cơ quan chính quyền khác nhau đã tạo nên đội hình cốt lõi dự thi. Di dời không phải là một ý tưởng mới. Từ hồi năm 1984, khi chính quyền địa phương nhận thấy thành phố đang dần mất đất và đề nghị đánh giá về vấn đề xói mòn, các cố vấn về địa chất nhận thấy rằng nỗ lực ngăn chặn sự xói mòn sẽ vô cùng tốn kém. “Di dời Newtok sẽ ít tốn kém hơn cố chặn dòng sông Ninglick,” họ nói trong một bức thư gửi thị trưởng Newtok lúc bấy giờ là ông John Charles. Tuy nhiên, cả thị trấn phải mất tới gần 10 năm để quyết định phải làm gì. Năm 1996, cuối cùng họ cũng biểu quyết di dời.


Khi chọn một nơi để chuyển đến, cộng đồng phải bảo đảm rằng họ vẫn giữ được sinh kế của mình. Ngôi làng có khoảng 350 thành viên bộ lạc Yupik, phụ thuộc chủ yếu vào kế sinh nhai là đánh bắt cá, săn tuần lộc, bò xạ hương và chim chóc, nhặt trứng chim và hái lượm quả mọng và rau. Cộng đồng xác định Mertarvik, một mảnh đất nằm trong khu vực sinh kế của họ, có thể là lựa chọn tốt.


Nhưng vùng đất này là khu trú ẩn cho các động vật hoang dã được bảo vệ, và cộng đồng đã khởi động quá trình đàm phán kéo dài 7 năm với cơ quan Dịch vụ ngư nghiệp và Động vật hoang dã Mỹ. Tới năm 2003, cuối cùng họ cũng nhận được quyền sở hữu Mertarvik, khu vực nằm cách Newtok 10 dặm về phía nam. Trong những năm sau đó, cộng đồng địa phương và cả bang đã phải vật lộn để tìm các nguồn tài trợ nhằm phát triển vùng đất mới. “Không cơ quan tài trợ nào sẵn lòng đầu tư vào vùng đất mới có dân số bằng 0 này,” Sally Russell Cox, một nhà lập kế hoạch của Cơ quan Thương mại, Cộng đồng và Kinh tế bang Alaska cho biết.


Vì thế, khi các quan chức bang Alaska nghe về Cuộc thi khắc phục thiên tai Quốc gia năm 2014, họ cảm thấy Newtok sẽ giành được nguồn tài trợ mà họ xứng đáng. “Dường như cộng đồng đang trải qua quá trình tái định cư năng động này sẽ là cộng đồng hoàn hảo để đăng ký nhận vốn tài trợ,” Cox, một thành viên nhóm lập hồ sơ đăng ký dự thi của bang cho biết.


Trong khi đó, ở Louisiana, dải đất đảo Isle de Jean Charles đang nhanh chóng bị biển xâm lấn, và những trận lũ lụt cùng bão đã giúp cộng đồng ở đây thấy rằng tái định cư là lựa chọn duy nhất hiện có của họ. Họ dường như là một ứng viên sáng giá cho khoản trợ cấp, vì không như những khu vực khác, những cư dân trong làng không cần phải được thuyết phục về nhu cầu tái định cư.


“Một trong những việc khó nhất là để mọi người quyết định phải rời bỏ nơi mà họ đã lớn lên,” Pat Forbes, giám đốc điều hành Văn phòng phát triển cộng đồng, cơ quan phụ trách quản lý trợ cấp khí hậu liên bang nhận định. “Có một cộng đồng đã cân nhắc và chấp nhận điều đó từ lâu là một lợi thế.”


Mathew Sanders, khi đó là một nhà tư vấn chính sách của bang Alaska, đã trải qua rất nhiều đêm mất ngủ để chuẩn bị hồ sơ dự thi. Có khoảng 15 người thuộc nhiều bộ phận của chính quyền bang tham gia lập hồ sơ dự thi, và 15 người khác tới từ khu vực tư nhân để cho ý kiến chuyên môn. “Chúng tôi nghiên cứu khu vực địa lý rộng lớn trong một thời gian khá ngắn và cố gắng đưa ra một loạt những ý tưởng lớn cũng như đào sâu vào những nét riêng biệt,” Sanders cho biết. “Đó là một việc cực kỳ khó.”


Sau vòng đánh giá các hồ sơ dự thi, 40 chính quyền bang và địa phương có điểm cao nhất được chọn đi tiếp vào vòng 2 tổ chức tháng 6/2015, nơi các đơn vị dự thi có 4 tháng để trau chuốt kế hoạch của họ nhằm đưa vào thực hiện. Cả Isle De Jean Charles và Newtok đều được vào vòng 2.

 

Newtok nhìn từ trên cao. (Google Maps)


Alaska và Louisiana có cách tiếp cận rất khác nhau khi lập luận cho trường hợp của họ. Bang Alaska lập luận rằng những dự án họ đang đề xuất là dành cho những địa điểm có nhu cầu lớn nhất và cấp thiết nhất. “Băng ở biển Bắc Cực, thứ trước đây là vật che chắn cho các cộng đồng ven biển khỏi những cơn bão, đang giảm đi,” Cox cho biết. “Khoa học đã tiết lộ tất cả. Đó là những thực tế mà chúng tôi đưa ra để xây dựng một trường hợp mà chúng tôi cảm thấy những tác động của tình trạng ấm lên ở đây xảy ra sớm hơn nhiều so với những nơi khác. Nó đang gây ảnh hưởng cho những cộng đồng rất dễ bị tổn thương.”


Alaska quyết định xin cấp vốn cho những dự án ở 4 cộng đồng khác nhau, một trong số đó là di dời Newtok. Bốn dự án này có tổng kinh phí được yêu cầu là 286 triệu USD, trong đó 69 triệu USD được dành cho Newtok. Đề xuất cuối cùng bao gồm các chi phí để xây nhà ở tại Mertarvik, phát triển một hệ thống đường bộ và bãi rác cho cộng đồng, cũng như phá dỡ những ngôi nhà bị bỏ hoang ở Newtok.


“Chúng tôi hiểu thực tế việc mất đất và các điều kiện nước biển dâng mà chúng tôi đang đối mặt ở Louisiana, chúng tôi kỳ vọng được thấy kế hoạch được nhân rộng ở những nơi khác dọc bờ Vịnh và lên đến bờ biển phía đông.”


Vậy là họ trình bày kế hoạch di dời Isle de Jean Charles như một thử nghiệm, một giải pháp mới lạ ở một nơi từng trải qua vấn đề mất đất ven biển và mực nước biển dâng sẽ tác động lên các khu vực ven biển khác ở Mỹ trong tương lai.Ở Louisiana, nhóm dự thi cảm thấy chính phủ liên bang không chỉ đơn thuần tìm kiếm cách giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn muốn xây dựng một mô hình cho các dự án trong tương lai. “Những gì họ đang tìm kiếm là những dự án có thể được nhân rộng không chỉ ở Louisiana mà là trên cả nước nhằm đối phó với những mối đe dọa tới các cộng đồng,” Forbes cho biết.


“Nếu chúng tôi cố gắng và tìm ra cách giải quyết vấn đề này ở bất cứ đâu, chúng tôi sẽ trình bày về bản thân như một trường hợp thử nghiệm và như một phòng thí nghiệm, “Sanders cho biết. “Chúng tôi hiểu thực tế việc mất đất và các điều kiện nước biển dâng mà chúng tôi đang đối mặt ở Louisiana, chúng tôi kỳ vọng được thấy kế hoạch được nhân rộng ở những nơi khác dọc bờ Vịnh và lên đến bờ biển phía đông. Nếu ai cũng biết chúng tôi giống như con chim hoàng yến kẹt trong mỏ than, thì cũng là hợp lý khi HUD thực hiện những khoản đầu tư như vậy ở đây nhằm bắt đầu xây dựng những mô hình và thử nghiệm các ý tưởng có thể được mở rộng quy mô và nhân rộng ở những nơi khác.”


Vào tháng 1/2016, HUD đã tuyên bố người chiến thắng cuộc thi. Louisiana đã nhận được 92,6 triệu USD, trong đó 48 triệu USD được dùng để đưa người dân đảo Isle de Jean Charles lên vùng đất cao hơn. “Điều khiến cho kế hoạch di dời của Louisiana khác biệt là những nguồn lực dành riêng cho việc nghiên cứu và đánh giá quá trình di dời,” McFadden chia sẻ. “Chúng tôi thực sự không có cơ sở dữ liệu tốt để rút ra kinh nghiệm và bài học từ việc di dời cộng đồng dân cư.”

 

Trong một bức thư gửi bang Alaska thông báo từ chối đơn xin cấp vốn, HUD có nói rằng các đơn vị dự thi đề nghị tới hơn 7 tỷ USD tiền tài trợ trong khi họ chỉ có 1 tỷ USD. Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski đã viết trong một bức thư gửi ông Obama rằng, bất chấp những tuyên bố công khai thừa nhận tác động của biến đổi khí hậu lên các làng mạc ven biển ở Alaska, thực tế Alaska không nhận được tài trợ “đã khiến những người Alaska ở vùng nông thôn đơn thuần giống như hậu cảnh trên con đường đến Paris của ngài.”


Bang Alaska đã đề nghị một cuộc họp với HUD để thảo luận các kết quả của giải pháp. Tại cuộc họp, các đại diện của HUD đã nói về những tiêu chí của giải pháp và những điểm mà Alaska bỏ sót. Mark Romick, phó giám đốc điều hành Tổng công ty Tài chính nhà ở Alaska, một thành viên của nhóm đưa ra giải pháp và cũng có mặt trong phòng họp mô tả cuộc đối thoại hôm đó là “không hoàn toàn thỏa đáng.” “Nhu cầu không phải là một yếu tố lớn,” Romnick nói. “Vấn đề là cách bạn đáp lại mục tiêu phục hồi.”


Tới năm 2100, ở Florida, cứ 8 căn nhà thì có một căn – tương ứng với khoảng 934.000 bất động sản có trị giá hơn 400 tỷ USD theo giá trị hiện hành – sẽ bị nhấn chìm xuống biển.


Alaska cũng bị thiệt thòi vì các tiêu chí của cuộc thi khá tập trung vào mặt dân số; những cộng đồng bị ảnh hưởng nhất của bang lại có dân cư rất thưa thớt và sống xa nhau. Trong khi đó, Isle De Jean Charles lại là một khu định cư rất nhỏ, và phần chấm điểm có cân nhắc tới việc bang Louisiana nhìn chung là có mật độ dân số dày đặc hơn.


Kế hoạch của Alaska bị loại vì khoản đầu tư gần 20 triệu USD suốt nhiều năm qua của bang cho các nỗ lực di dời Newtok và phát triển khu định cư mới không đáp ứng được định nghĩa của HUD về “tác dụng đòn bẩy.” Cox rất ngạc nhiên về kết quả. “Chưa từng có một cơ hội tài trợ như thế này nên, điều đó thật đáng thất vọng,” cô nói.


Ngay cả McFadden, người điều hành cuộc thi cũng nói rằng quá trình đánh giá có thể “gây bực bội” và nhấn mạnh bản chất kỹ thuật của việc đấu thầu xin tài trợ từ chính phủ. “Bạn có thể có một ý tưởng tuyệt vời nhưng không được thể hiện tốt lắm và không ghi điểm cao như khả năng thực tế, và một kế hoạch thuần thục hơn về mặt kỹ thuật nhưng lại không tham vọng bằng,” bà nói. “Vấn đề không nằm ở chất lượng của ý tưởng – mà là cách nó được trình bày trên giấy tờ.”

 

 

Vùng nước xung quanh đảo Isle de Jean Charles đang dần xâm chiếm khu dân cư. (Văn phòng Phát triển Cộng đồng Louisiana)


Isle de Jean Charles là thị trấn duy nhất nhận được tiền tài trợ để di dời; số tiền còn lại được dùng để xây dựng các khu thích ứng ven biển ở các bang và thị trấn khác. Ví dụ, HUD đã trao cho bang California 70,4 triệu USD để phát triển khả năng thích ứng với cháy rừng, cho New Orleans 141 triệu USD để thành lập Khu vực thích ứng ở khu Gentilly, và cho thành phố New York 176 triệu USD để xây dựng hệ thống chống lũ lụt ven biển. Florida, bang có 2.170 km bờ biển, có 5 thị trấn gửi đơn tham dự NDRC, nhưng không lọt được vào vòng 2.


Theo dự đoán của Zillow, tới năm 2100, ở Florida, cứ 8 căn nhà thì có một căn – tương ứng với khoảng 934.000 bất động sản có trị giá hơn 400 tỷ USD theo giá trị hiện hành – sẽ bị nhấn chìm xuống biển. Philip Stoddard, thị trưởng thành phố South Miami cho rằng các cư dân không nên đợi chính phủ liên bang đến giải cứu họ. “Suy nghĩ chính phủ sẽ đến cứu mọi người không còn thực tế nữa. Điều đó sẽ không xảy ra với tốc độ mà nó cần được thực hiện,” Stoddard chia sẻ với Quartz. “Chẳng có đủ tiền. Có thể một vài người may mắn sẽ nhận được sự trợ giúp, nhưng đó sẽ chỉ là một cộng đồng thiểu số ngày càng thu hẹp.”


Bằng việc chọn tài trợ cho khu tái định cư Isle De Jean Charles, chính phủ liên bang đã thể hiện rõ rằng trong một số trường hợp, họ sẽ hỗ trợ việc di dời. Câu hỏi khi nào chính phủ sẵn sàng can thiệp – và có thường xuyên hay không- vẫn còn bỏ ngỏ.

Với tiền tài trợ trong tay, Isle de Jean Charles hiện đang đối mặt với thách thức di dời cả một thị trấn. Họ đã rút gọn danh sách các điểm tái định cư khả thi xuống còn 3 địa điểm dựa trên đánh giá nguy cơ lũ lụt trong tương lai. Họ hy vọng sẽ đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng để chọn ra một trong ba địa điểm này trong 2 tháng tới, và sau đó bắt đầu quá trình mua đất dài hơi.


“Không có bản đồ kế hoạch hay sách hướng dẫn nào cho chúng tôi cả,” Sanders cho biết. Mỗi tuần, có khoảng 20 người gọi tới một hội nghị qua điện thoại nơi các quan chức của bang trao đổi với các thành viên trong cộng đồng. Một phần công việc của Sanders đôi khi chỉ đơn thuần là trấn an cộng đồng địa phương rằng kế hoạch này sẽ có hiệu quả. Người dân Isle de Jean Charles đã chờ một thời gian dài và đã chứng kiến một vài khởi đầu bị hủy bỏ, khiến họ trở nên cảnh giác với viện trợ từ liên bang.


“Lần nào tôi cũng phải nói với mọi người là có những ý tưởng không nhận được tài trợ vì có lý do,” Sanders nói. “Tôi cố trấn an và giúp họ hiểu rằng chúng tôi sẽ không lấy tiền này đem đi làm việc khác.”


Họ đang tuyển một nhóm lập kế hoạch để xác định diện mạo của cộng đồng mới và một “chiến lược rút quân” từ địa điểm hiện tại của thị trấn khi hòn đảo dần biến mất. Họ hy vọng có thể bắt đầu xây dựng vào năm 2018. Khi một mùa mưa bão nữa sắp đến, họ đang lập ra một chương trình nhà ở chuyển tiếp để người dân chuyển tới những căn nhà thuê nếu thị trấn bị thiên tai ập tới. Thời hạn để chi tiêu khoản tài trợ từ liên bang của họ là tháng 9/2022; bang Louisiana hy vọng đó cũng là lúc có thể tái định cư cộng đồng.


Nhưng xác định các rủi ro khí hậu và phối hợp kho vận chỉ là một khía cạnh của tái định cư có kế hoạch. Trong việc lựa chọn địa điểm tái định cư, các chuyên gia lập luận rằng, các nhà lập kế hoạch cần cân nhắc xem công đồng có các bộ kỹ năng phù hợp để tìm công việc trong môi trường mới hay không. “Điều tồi tệ nhất là di dời dân cư đến một nơi đang phải vật lộn về kinh tế và có các ngành nghề hoàn toàn khác với nơi ở cũ,” Kate Gordon, giám đốc sáng lập Dự án Kinh doanh mạo hiểm nghiên cứu các rủi ro kinh tế do biến đổi khí hậu chia sẻ với Quartz. “Nếu bạn di dời một cộng đồng dân cư không có các kỹ năng và văn hóa phù hợp – tôi nghĩ đó sẽ là một thảm họa.”


Trong trường hợp của Isle de Jean Charles, nơi chủ yếu có các cộng đồng bộ tộc sinh sống, các quan chức của bang phải đối mặt với câu hỏi chuyển dịch một nền văn hóa độc đáo và nguyên vẹn sang một nơi khác. Các quan chức bang Louisiana đang cố gắng để hiểu được văn hóa của cộng đồng và bảo đảm rằng nó sẽ được “gắn liền” với kế hoạch chi tiết cho các khu định cư mới.


Những tác động tâm lý của việc phải di dời, ngay cả khi cộng đồng biết rằng điều đó là vì lợi ích tốt nhất của họ, cũng có thể trở nên khá nặng nề.


“Mặc dù điểm đến có thể chỉ cách đó 5 dặm, mọi người vẫn cần thời gian để hiểu rằng cuộc sống của họ và tất cả những kỷ niệm họ có với nơi ở cũ sẽ chỉ còn là ký ức, vì họ sẽ phải định cư ở một nơi khác,” Cosmin Corendea, viên chức học thuật tại Viện Môi trường và An ninh nhân loại của Liên Hợp Quốc, người chuyên xây dựng các khung pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của những người phải di dân do biến đổi khí hậu cho hay. Ông tin rằng một trong những lý do khiến khu tái định cư Isle De Jean Charles sẽ thành công là mọi người đã có nhiều năm làm quen với việc phải di dời.

Mertavik, nơi các cư dân của Newtok đang cố gắng bắt đầu lại kể từ thập niên 1990. (Nhóm Kế hoạch Newtok)


Các quan chức trên khắp cả nước đang theo dõi chặt chẽ các nỗ lực hiện tại để xem kết quả. “Những kết quả của các nỗ lực di dân tại Isle de Jean Charles có thể mang đến những thông tin quý báu cho chính phủ liên bang về những gì họ có thể làm,” Mark Davis, giám đốc viện Luật và Chính sách các nguồn tài nguyên nước Tulane cho biết. “Ý tôi là, trời ạ, nếu bạn không thể di dời được 50 người, thì bạn di dời 100.000 người bằng cách nào? Và dù di dời thành công 50 người đó, điều gì bảo đảm là bạn cũng sẽ có thể làm điều đó ở nơi khác?”


Ở Newtok, sau khi cú sốc thua cuộc dần phai đi, các quan chức bang Alaska đang hy vọng có thể tiếp tục các nỗ lực di dời ngôi làng. Hiện đang có các kế hoạch xây dựng đường xá trong mùa hè và xây thêm nhà cửa ở khu vực mới, nhưng kinh phí vẫn là một thách thức. Theo Cox, xây một ngôi nhà hiệu quả năng lượng ở vùng nông thôn Alaska tốn khoảng 300.000 USD. Rồi còn vấn đề về nước, vệ sinh, thoát nước, trường học, cửa hàng, sân bay… đặt ra cho các cơ quan chính phủ khác nhau.


Nhưng với việc chính quyền Trump rút khỏi hiệp định khí hậu Paris mà ông Obama từng dùng Alaska để chiến thắng, kinh phí từ liên bang cho Newtok dường như sẽ không đến sớm. Không có nhiều khả năng rằng HUD dưới thời tổng thống Trump sẽ sớm phê duyệt một cuộc thi như vậy – ngay cả khi những thị trấn như Newtok, và các đảo quốc như Tuvalu đang phải vật lộn đối phó với tình trạng nước biển dâng.


Với thế giới, những gì mà người dân ở đây đang phải đối mặt mới chỉ là sự khởi đầu. “Không có quốc gia nào, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, sẽ không chịu tác động của biến đổi khí hậu,” chính ông Obama đã cảnh báo như vậy gần đây.


Trường học duy nhất ở Newtok là một khu nhà tả tơi với lớp sơn màu trắng và xanh dương bong tróc trên những tấm gỗ sàn lồi lên. Ngôi trường nằm ở khu vực cao nhất trong làng, nơi có nguồn nước chảy duy nhất, và được dùng làm nhà cộng đồng – và nó cũng chỉ cách sông Ninglick vài trăm mét. Với tốc độ xói mòn hiện nay, dòng sông có thể chạm tới ngôi trường trong năm nay.

“Những gì tôi nhận thấy ở quốc gia này là chưa thực sự có hiểu biết toàn diện về việc biến đổi khí hậu sẽ tác động lên môi trường trong những năm tới như thế nào,” Neimeyer cho biết. “Cuối cùng, tôi nghĩ là cả nước sẽ biết điều đó thôi”.

 

Tác giả bài viết: Mai Nguyễn

Nguồn tin: vietnamplus.vn

 

 

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.