BÌNH DƯƠNG: PHÁT TRIỂN KINH TẾ GẮN VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
- Cập nhật: Thứ tư, 6/9/2017 | 3:28:19 Chiều
(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Công ty CP Nước-Môi trường Bình Dương đã làm việc miệt mài, trí tuệ vượt qua nhiều khó khăn về tài chính, giá cả, công nghệ, phương thức đầu tư, áp lực từ các phía.
Tỉnh Bình Dương được biết đến là tỉnh có nền kinh tế phát triển, năng động, một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước. Bình Dương có sự năng động trong cơ chế thị trường, nhanh chóng nắm bắt cơ hội mời gọi đầu tư trong thời kỳ đầu mới mở cửa. Hiện nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 10.000ha. Trong đó có những khu công nghiệp tiêu biểu cho cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, về tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường như VSIP 1, 2, Mỹ Phước, Đồng An, … Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương là đơn vị có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế gắn liền với công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.
Do có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, hàng triệu người lao động và người thân - con em người lao động các nơi đổ về Bình Dương sinh sống và lao động lập nghiệp nên nhiều vấn đề hạ tầng kinh tế, xã hội cũng phát sinh đáng kể nhưng Bình Dương đã xử lý hài hòa các lợi ích kinh tế – bảo vệ môi trường – các công trình hạ tầng xã hội được đáp ứng đầy đủ. Trường học, nhà trẻ, nhà ở công nhân, bệnh viện được đầu tư đồng bộ, không để con em công nhân thiếu chỗ học, chỗ khám bệnh…. Các công trình hạ tầng đô thị, nhất là các dự án về giao thông, bảo vệ môi trường được lãnh đạo tỉnh quan tâm từ rất sớm. Các nhà máy cấp nước sạch được đầu tư đồng bộ từ những đô thị lớn có nhiều khu dân cư, khu công nghiệp cho đến tận những thị trấn xa xôi, hẻo lánh cũng có hệ thống cấp nước tập trung, góp phần đáng kể cho việc cấp nước ở một số xã vùng ven đô thị trong thực hiện mục tiêu chương trình nước sạch quốc gia và xây dựng nông thôn mới.
Công ty Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương có hệ thống cấp nước sạch phủ rộng khắp trên các địa bàn như: Thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát; trên các huyện: Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và các khu công nghiệp: VSIP, Việt Hương, Sóng Thần, Đồng An, Mỹ Phước, Bàu Bàng, Tân Uyên, Đất Cuốc, An Tây và Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị…..với 178.908 khách hàng, trong đó có 6.810 khách hàng là doanh nghiệp. 100% dân cư đô thị và các cơ sở công nghiệp, khu-cụm công nghiệp đều được cấp nước sạch đầy đủ. Ngoài ra, Công ty còn tham gia phục vụ cấp nước cho hơn 50% các xã, phường ở vùng nông thôn.
Tổng công suất cấp nước hiện tại của công ty khoảng 350.000 m3/ngày đêm, gồm 4 nhà máy: Nhà máy nước Dĩ An: công suất 200.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước Khu liên hợp: công suất 100.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước Thủ Dầu Một: công suất 25.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước Tân Uyên: công suất 25.000 m3/ngày đêm.
Bên cạnh đó, Công ty đang xây dựng nhà máy nước Bàu Bàng với công suất quy hoạch là 500.000 m3/ngày đêm, nhà máy được xây dựng, phát triển theo từng đợt dựa trên nhu cầu sử dụng của khách hàng. Hiện đang đầu tư xây dựng nhà máy có công suất 100.000m3/ngày đêm.
Tỉnh Bình Dương cũng quan tâm rất sớm, từ những năm đầu của thế kỷ 21, Bình Dương đã trình Chính phủ đề án hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt khu vực Nam Bình Dương – nơi có nền kinh tế phát triển sớm của tỉnh.
Ở Bình Dương, các khu công nghiệp ra đời đều bắt buộc phải có hệ thống thu gom xử lý nước thải riêng biệt và phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường như đã được duyệt.
Năm 2002, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt khu vực Nam Bình Dương tại văn bản số 370/CN-CP ngày 9/4/2002 của Chính phủ với 7 nhà máy xử lý nước thải cùng hệ thống thu gom đồng bộ với diện tích thu gom trên 10.000ha, công suất >100.000m3/ngàyđêm. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã triển khai >70% kế hoạch được Chính phủ phê duyệt. Nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn loại A theo QCVN 40:2011/BTNMT, góp phần tích cực bảo vệ chất lượng nguồn nước các dòng sông chạy qua tỉnh Bình Dương như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Đây là địa phương thực hiện tốt nhất chương trình bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai của quốc gia.
Với tốc độ phát triển công nghiệp nhanh và nóng, dân cư cũng tăng trưởng nhanh; rác thải công nghiệp, sinh hoạt cũng phát sinh khối lượng lớn và nhanh. Việc tổ chức thu gom, quy hoạch khu vực xử lý là khâu nan giải. Việc ô nhiễm từ khu xử lý rác cũng không lường hết được cho nên tư vấn cũng lúng túng khi quy hoạch hay lựa chọn phương án xử lý. Đặc biệt, các địa phương rất lo ngại việc chọn địa phương mình làm nơi quy hoạch xây dựng khu xử lý rác, vì tình hình ô nhiễm các bãi rác ở các địa phương các cơ quan truyền thông cũng đã thông tin, cho nên việc này cũng rất khó khăn cho lãnh đạo tỉnh do không dễ dàng thuyết phục với người dân. Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ và trách nhiệm với dân, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng cam kết với dân là sẽ xây dựng khu xử lý rất sạch, văn minh, an toàn.
Cũng từ đó, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương ra đời với sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các Sở, ngành liên quan, với sức đầu tư đáp ứng yêu cầu về tính chất của khoa học và công nghệ, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài cho nên Bình Dương đã đầu tư xây dựng Khu Liên hợp xử lý rác rất khoa học và bài bản, tiếp nhận tất cả các loại rác trên địa bàn, rác sinh hoạt, rác công nghiệp, rác công nghiệp nguy hại, rác y tế….
Rác sau khi tiếp nhận được cân đo cẩn trọng và tổ chức xử lý khoa học với công nghệ tiên tiến và tái chế tối đa, hạn chế chôn lấp nhằm làm giảm hao phí đất đai và dễ gây ô nhiễm. Chẳng hạn như rác sinh hoạt được tái chế thành phân hữu cơ chất lượng cao được người tiêu dùng đón nhận tiêu thụ hết. Loại rác nào không làm phân được thì ủ lấy khí mêtan phát điện. Rác công nghiệp cũng được tái chế ra những vật liệu xây dựng như gạch Terano, gạch tự chèn chất lượng cao phục vụ lát vỉa hè, sân vườn, quãng trường cũng được cộng đồng đón nhận. Theo nhận xét của các Bộ ngành và các tỉnh thành bạn đến tham quan, nghiên cứu, đều đánh giá cao Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương là mẫu hình tiên tiến, khép kín, văn minh, rất phù hợp với điều kiện bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Để có được tiếng tốt về bảo vệ môi trường, đi song hành với phát triển kinh tế ở Bình Dương là một sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo, người dân tỉnh Bình Dương, trong đó có sự đóng góp đáng kể của CBCNV công ty CP Nước-Môi trường Bình Dương đã làm việc miệt mài, trí tuệ vượt qua nhiều khó khăn về tài chính, giá cả, công nghệ, phương thức đầu tư, áp lực từ các phía, nhưng với ý chí quyết tâm cao, một tập thể đoàn kết, ý thức trách nhiệm, nhân ái, biết vượt lên mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ tỉnh giao và xây dựng hình ảnh công ty BIWASE ngày càng được bạn bè, đồng nghiệp, nhà đầu tư, các Bộ ngành tín nhiệm.
Nhóm PV Phía Nam
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.