Hà Nội đầu tư 79 tỷ đồng làm đường vào khu xử lý chất thải Xuân Sơn
- Cập nhật: Thứ ba, 27/2/2018 | 3:38:44 Chiều
(tapchicapthoatnuoc.vn)- Tuyến đường vào khu xử lý chất thải Xuân Sơn trước đó đã từng bị người dân ngăn chặn vận chuyển rác sẽ được TP Hà Nội đầu tư 79 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo.
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Dự án nâng cấp, cải tạo đường, hệ thống chiếu sáng tuyến đường vào khu xử lý chất thải Xuân Sơn. Địa điểm thực hiện tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì và xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây.
Tổng khối lượng cột chiếu sáng cho toàn tuyến là 129 cột đặt tại một bên mép lề đường, trong đó tận dụng lại 74 cột đèn hiện tại, chỉ thay mới bóng đèn và dịch chuyển cột sang vị trí mép lề đường mới, mỗi cột bố trí bóng đèn LED - IP66 Classl có công suất 125w, cột đèn mới sử dụng cột thép mạ kẽm nhúng nóng cao 10m...
Dự án có tổng mức đầu tư xây dựng hơn 79 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố làm chủ đầu tư.
UBND TP Hà Nội giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác, tính pháp lý của hồ sơ trình phê duyệt. Thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp theo theo quy định của pháp luật về xây dựng, về lựa chọn nhà thầu và các văn bản pháp luật liên quan.
Đồng thời, Ban Quản lý phải tổ chức quản lý, thực hiện dự án theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng; sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo chất lượng công trình, đáp ứng tiến độ được phê duyệt.
TP Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung thẩm định dự án; thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành theo quy định của pháp luật liên quan.
Còn các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch Kiến trúc, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, Kho bạc Nhà nước thành phố căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp cùng chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng của công trình...
Đây là dự án nhằm đáp ứng yêu cầu vận chuyển rác thải sinh hoạt vào khu xử lý rác thải Xuân Sơn; giải quyết bức xúc của nhân dân trong vùng, đảm bảo an ninh trật tự xã hội; kểt nối giao thông các tuyến đường ĐT 414, đường ĐT 414B và đường ĐT 413, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông trong khu vực, đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Quyết định, thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2017-2020.
Trước đó, liên quan đến việc giải quyết chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với vùng ảnh hưởng môi trường Khu xử lý chất thải Xuân Sơn một số công dân trên địa bàn xã Tản Lĩnh (Ba Vì), xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) đã cố ý ngăn chặn việc vận chuyển rác thải vào Khu xử lý chất thải Xuân Sơn trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Khu xử lý chất thải Xuân Sơn và công tác vệ sinh môi trường.
Ngày 3/11/2017, UBND TP Hà Nội đã phát thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Hùng tại cuộc họp về phương án đưa rác vào Khu xử lý chất Xuân Sơn trên địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.
Theo đó, các trường hợp cố tình chống phá, cản trở, không chấp hành thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền và các cơ quan chức năng không để xảy ra sai sót.
TP Hà Nội cũng yêu cầu Huyện ủy Ba Vì, Thị ủy Sơn Tây chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị tại địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân tự giác tháo dỡ lều lán, chấm dứt việc tụ tập đông người ngăn chặn các hoạt động của Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
Minh Quang (VietTimes)
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.