Đường phố Cần Thơ chìm trong nước. ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Theo GS-TS Trương Đình Dụ, vấn đề chống ngập cho ĐBSCL là rất
thời sự, có ý nghĩa chiến lược quốc gia, vì ĐBSCL đóng vai trò rất lớn về phát triển kinh tế xã hội đối với Việt Nam. Hiện nay ở ĐBSCL có hai vấn đề thời sự rất nóng bỏng, mang ý nghĩa an ninh quốc gia: Một là "giặc trời" cướp đất bằng xói lở bờ biển, vùng bán đảo Cà Mau hằng năm mất gần 500 ha đất. Hai là ngập đất do lún và nước biển dâng.
"Trước hết tôi nhất trí với TS Tô Văn Trường là không nên dùng
giải pháp bơm nước biển vào đất, vì như vậy sẽ mặn hóa nguồn nước ngọt tự nhiên rất quý, có thể có lúc phải dùng tới một cách hợp lý, khi nước ngọt từ thượng nguồn chảy về không đủ. Nếu có bơm thì bơm nước ngọt vào khi thừa nước ngọt. Tôi nghe tin đã có một vài nước bơm nước ngọt trữ vào đất trong mùa mưa, để chống hạn cho mùa khô. Mặt khác, chưa nghiên cứu, nhưng bơm nước vào đất, chắc khó phục hồi được cao trình đất như cũ, như TS Tô Văn Trường đã khẳng định, may ra giữ được đất không lún tiếp. Thế thì nên bơm nước ngọt" - GS Trương Đình Dụ đề xuất.
Để giải quyết bài toán chống ngập và cả chống hạn cho ĐBSCL, theo GS Trương Đình Dụ phải làm các công trình kiểm soát nguồn nước ở tất cả các cửa sông thông ra biển. Các công trình đó phải đảm nhận tốt các nhiệm vụ: Ngăn không cho nước biển cao chảy vào gây ngập đất và gây mặn hóa nguồn nước ngọt trong sông. Lấy nước biển vào với mức độ cần thiết để nuôi trồng thủy sản, giữ lại nguồn nước ngọt từ thượng nguồn cấp về không chảy ra biển, tháo được các lũ tự nhiên như khi không có công trình, đảm bảo tốt giao thông thủy bộ vùng ven biển, bảo đảm tốt môi trường sinh thái của cả ĐBSCL.
Tình trạng ngập tại ĐBSCL dự báo còn kéo dài và ngày càng trầm trọng
ẢNH: ĐÌNH TUYỂN |
Để đảm bảo được các nhiệm vụ trên, những công trình kiểm soát nguồn nước này sẽ được xây dựng theo công nghệ mới, hiện đại, vì công nghệ truyền thống không thể đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.
"Chúng ta phải lo dần từ bây giờ, vì không an ninh quốc gia nào bằng an ninh ngập đất, vì ngập đất là mất đất. Mấy chục năm nữa, khi nước biển cao hơn mặt đất khoảng 0,5-1 m thì con cháu chúng ta chạy đi đâu. Đó là câu hỏi đã phải trả lời ngay bây giờ" - ông tâm huyết.
Là người chuyên nghiên cứu về công trình ngăn sông vùng ven biển, GS Trương Đình Dụ có niềm tin rằng Việt Nam sẽ có những công trình kiểm soát nguồn nước ở các cửa sông để
ĐBSCL phát triển kinh tế toàn diện, đời sống nhân dân lên cao, tiếp tục góp phần quan trọng vào xây dựng đất nước.
Theo Thanhnien.vn