Lúng túng trong việc xử lý rác thải, gây ô nhiễm môi trường
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2019 | 3:40:11 Chiều
(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Ghi nhận thực tế tại xã Phổ Thạnh, mặc dù người dân đã tự xử lý bằng cách đốt rác tạm thời tại các điểm tập kết. Thế nhưng, tình trạng vứt rác bừa bãi, ngổn ngang dọc quốc lộ và tại các bờ kè biển vẫn còn tiếp diễn...
Rác thải sinh hoạt người dân đem đổ tràn ra các nghĩa trang.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 3 nhà máy xử lý rác thải, gồm các nhà máy tại các xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa), Bình Nguyên (huyện Bình Sơn) và Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ). Ngoài ra còn có 1 bãi chôn lấp rác thải tại Đồng Nà.
Trong số đó, nhà máy Đức Phổ đã dừng hoạt động, nhà máy Nghĩa Kỳ thì đang trong quá trình xây dựng, còn bãi rác Đồng Nà đến hạn 30-4-2019 này phải đóng cửa do quá tải. Do đó, hiện người dân gặp không ít khó khăn trong quá trình tự xử lý rác tạm thời, còn chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay giải quyết bài toán quy hoạch…
Ghi nhận thực tế tại xã Phổ Thạnh, mặc dù người dân đã tự xử lý bằng cách đốt rác tạm thời tại các điểm tập kết. Thế nhưng, tình trạng vứt rác bừa bãi, ngổn ngang dọc quốc lộ và tại các bờ kè biển vẫn còn tiếp diễn...
Nhiều người dân thôn Thạch By khi trao đổi với chúng tôi đã phản ảnh, họ phải tự đốt rác thải, nhưng ở Sa Huỳnh có rất nhiều người do ý thức kém đã vứt rác trôi nỗi ngoài bờ kè biển gây ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, ai cũng lo lắng vì môi trường đang ngày càng ô nhiễm bởi rác thải, sức khỏe ảnh hưởng vì dịch bệnh, kể từ ngày nhà máy xử lý chất thải rắn phía Nam huyện Đức Phổ dừng hoạt động sau khi công bố kết luận thanh tra.
Thế nhưng, nhiều người vẫn nhất quyết phản đối nhà máy này hoạt động trở lại; yêu cầu chính quyền địa phương nghiên cứu sớm di dời nhà máy để đảm bảo vệ sinh nguồn nước sinh hoạt cho bà con…
Không chỉ riêng huyện Đức Phổ, mà tại các vùng nông thôn khác của tỉnh Quảng Ngãi như các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành cũng trong tình cảnh ô nhiễm rác thải tương tự. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, lượng rác thải phát sinh không ngừng gia tăng, trung bình khoảng 500 tấn/ngày, nhất là các loại chất thải rắn. Điều này đã đặt ra nhiều trở ngại trong công tác quy hoạch, xử lý rác đảm bảo môi trường của địa phương.
“Chúng tôi thừa nhận quá trình phát triển đô thị, trong đó có vấn đề môi trường chưa được quan tâm đúng mức nên có nhiều điểm chưa tốt. Hiện nay, nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ được xây dựng, nhưng chưa đưa vào hoạt động và theo tiến độ đã chậm hơn 1 năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng vài điểm tại bãi rác Đồng Nà trong thời gian chờ đợi bãi rác Nghĩa Kỳ đi vào hoạt động. Nói là chôn lấp nhưng phải tuân thủ theo đúng quy trình...”, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết.
Thực tế đã có nhiều nhiều hạn chế, bất cập trong vấn đề quy hoạch, xây dựng nhà máy ở Quảng Ngãi như tại Đức Phổ, Nghĩa Kỳ, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý rác hiện nay. Chính vì thế, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cần sớm đưa ra các biện pháp hữu hiệu để giải quyết rốt ráo, tránh tình trạng rác thải ứ đọng, môi trường sống bị ô nhiễm.
Theo cand.com.vn
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.