Đông Nam Á quyết tâm không là “bãi rác khổng lồ” của các nước giàu
- Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2019 | 2:49:32 Chiều
(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Một số nước Đông Nam Á đã có bước đi cứng rắn ngăn khu vực này trở thành “bãi rác khổng lồ” của các quốc gia phát triển.
Malaysia hôm nay tuyên bố sẽ trả lại khoảng 3.000 tấn rác thải nhựa không tái chế được cho các nước như Mỹ, Anh, Canada và Australia. Đây là một biện pháp cứng rắn mới nhất của các nước Đông Nam Á, nhằm ngăn khu vực trở thành một bãi rác khổng lồ cho các quốc gia phát triển.
Trong năm qua, rác thải của thế giới tập trung nhiều tại khu vực bờ biển các nước Đông Nam Á, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa vào năm ngoái. Hàng tấn rác không mong muốn từ phương Tây đã tích tụ tại các cảng của Philippines, Indonesia… trong khi các bãi rác thải nhựa độc hại khổng lồ nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ cũng có mặt trên khắp Malaysia.
Với nguy cơ Đông Nam Á ngập trong rác từ các nước phát triển, buộc chính phủ các nước phải đưa ra biện pháp đối phó. Năm ngoái, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đã ban hành quy định nghiêm ngặt tiến tới cấm hoàn toàn nhập khẩu rác thải nhựa vào cảng của họ. Cuộc chiến rác thải gia tăng gần đây khi Tổng thống Philippiness Rodrigo Duterte cảnh báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Canada nếu quốc gia này không nhận những container rác thải nhiễm độc về nước. Người phát ngôn Tổng thống Philippiness Salvador Panelo tuyên bố:
“Yêu cầu các nhà ngoại giao Philippiness về nước là biện pháp gây sức ép lên Canada để sớm đưa các container rác về nước. Họ càng trì hoãn, thì căng thẳng sẽ càng gia tăng. Hãy nhớ rằng, việc từ chối đưa rác thải về nước sẽ gây ra nhiều vấn đề, trong đó ảnh hưởng cả đến mối quan hệ ngoại giao song phương”
5 container rác thải bất hợp pháp từ Tây Ban Nha được phát hiện mới đây tại một cảng của Malaysia cũng bị buộc quay đầu trở lại. Trong bước đi mới nhất, Bộ trưởng Môi trưởng Malaysia Yeo Been Yin hôm nay tuyên bố sẽ trả lại khoảng 3.000 tấn rác thải nhựa không tái chế được cho các nước như Mỹ, Anh, Canada và Australia:
“Malaysia cũng giống như các quốc gia đang phát triển có quyền có không khí sạch, nước sạch và các nguồn tài nguyên môi trường sạch. Giống như các quốc gia phát triển, cư dân của chúng tôi cũng có quyền được sống trong một bầu không khí sạch và trong lành”
Theo thống kê, chỉ có 1/5 số rác thải nhập khẩu được tái chế, còn lại là được chôn lấp hoặc thải ra môi trường mà không được xử lý phù hợp. Nếu không ngăn chặn kịp thời khối lượng rác thải nhập khẩu đó sẽ là một quả bom nổ chậm về môi trường và sức khoẻ. Điều đáng lo ngại là hầu hết các nước Đông Nam Á đều trong giai đoạn đang phát triển kinh tế bùng nổ và các quy định về quản lý môi trường và các hoạt động liên quan đến lĩnh vực xử lý rác thải còn nhiều lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho một số doanh nghiệp địa phương kiếm lời bằng cách nhập lậu rác, gây ra các hậu quả lớn cho môi trường.
Trong một biện pháp ngăn chặn tình trạng xuất khẩu rác thải tràn lan không chỉ ở qui mô khu vực, 187 quốc gia đã thông qua sửa đổi Công ước Basel, hiệp ước năm 1989 nhằm giảm việc di chuyển các chất thải nhựa nguy hại xuyên biên giới. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, yêu cầu các quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa phải xin phép các nước nhận rác./.
Phạm Hà/VOV1
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.