Thực hư thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới
- Cập nhật: Thứ bảy, 28/9/2019 | 11:29:03 Sáng
(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Sáng 26/9, Hà Nội là một trong 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới – theo thông số trên trang https://www.airvisual.com. Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội rơi vào vị trí rất đáng quan ngại này. Tuy nhiên, điều đó không đủ để khẳng định rằng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Chỉ số ô nhiễm chỉ có tính thời điểm
Theo quan sát từ công bố của các trang web về ô nhiễm môi trường, các chỉ số này được thể hiện có tính thời điểm.
Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm qua, tại các thời điểm buổi trưa và buổi chiều, các vị trí này đã nhanh chóng thay đổi.
Theo quan sát của phóng viên, khoảng 16h chiều, hình ảnh cho thấy màu chủ đạo là màu cam, không khí vẫn khá ô nhiễm nhưng chỉ số tuyệt đối đã giảm nhiều, một vài điểm có chỉ số AQI cao trên 150, còn lại đều ở mức dưới con số này.
Chỉ số ô nhiễm trên trang Airvisual vào buổi chiều ngày 26/9
Tiếp đó, vào buổi tối, Hà Nội đã ra khỏi top 10 những thành phố ô nhiễm nhất.
Như vậy, việc Hà Nội hay bất kỳ thành phố nào nằm trong các vị trí ô nhiễm nhất thế giới chỉ có tính thời điểm và các vị trí này liên tục thay đổi. Từ nhiều ngày nay, các chuyên gia về môi trường đã cảnh báo, miền Bắc đang bước vào thời kỳ ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn do tác động của hình thái thời tiết.
Theo đó, nồng độ bụi lơ lửng phụ thuộc vào thời tiết nhiều. Trời đẹp quang đãng, nhiệt mặt đất cao thì ít bụi (đối lưu tốt), có gió to giúp lưu thông chiều ngang (so với mặt đất) tốt hơn. Trong khi đó, những ngày vừa qua, trời mù sương, lặng gió khiến cho không khí lưu thông không tốt nên mức độ ô nhiễm vào nửa đêm về sáng và sáng sớm sẽ cao hơn là vào thời điểm buổi trưa và chiều, tối.
Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, đây là hiện tượng "nghịch nhiệt”. Hiểu nôm na là ô nhiễm rất cần gió và đối lưu để khuếch tán đi. Trong trường hợp tĩnh gió, ít đối lưu là ô nhiễm cứ thế ở lại gây ô nhiễm.
Trong khí tượng học, nghịch nhiệt là một hiện tượng đảo chiều của các thành phần khí trong khí quyển ở những nơi có vĩ độ cao. Nghịch nhiệt có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm do khói bị kẹt lại và nằm gần mặt đất hơn, gây những tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Chỉ số của Air Visual không chính xác?
Đáng chú ý, cùng vào các thời điểm nói trên, trên trang Pamair, mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội lại khác hẳn. Ví dụ như vào lúc 16 giờ, trang này cho thấy một toàn bộ là một màu vàng, có rất ít địa điểm nào có màu cam và không có điểm nào có màu đỏ hay màu tím. Đa số các địa điểm đều có chỉ số dưới 80.
Hay như cuối tuần qua (hôm 21/9), trang Pamair thể hiện một màu xanh chủ đạo gần như trên toàn bộ thành phố Hà Nội, nhưng cũng vào ngày cuối tuần trước đó một tuần thì lại một màu đỏ rực của sự ô nhiễm nặng nề.
Ngoài ra, cũng đáng lưu ý là ngay ở các tỉnh phía Bắc thì Hà Nội không phải lúc nào cũng ô nhiễm nhất. Có nhiều thời điểm, các tỉnh lân cận (ví dụ như Nam Định)… lại có chỉ số ô nhiễm cao hơn Hà Nội.
Trong khi nhiều người hoang mang về các thông tin cho rằng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì nói về tính chính xác của các chỉ số được công bố trên các trang web, đại diện của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết: "Trang web của Air Visual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ, trạm này nằm trên trục đường giao thông lớn, xung quanh có rất nhiều công trình xây dựng. Chúng tôi lấy số liệu ở 10 trạm quan trắc. Họ lấy duy nhất ở điểm đó để đại diện cho toàn thành phố Hà Nội là không chính xác”.
Tuy không đồng ý với kết luận cho rằng Air Visual chỉ lấy số liệu quan trắc không khí từ duy nhất một trạm như đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội nói, nhưng các chuyên gia về môi trường cũng phản đối việc kết luận Hà Nội là một thành phố ô nhiễm nhất thế giới, dựa trên các chỉ số có tính thời điểm như đã phân tích ở trên.
Mặc dù vậy, vẫn cần phải nhắc lại, miền Bắc đang ở trong giai đoạn mà thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng không khí, nhất là vào lúc sáng sớm và những ngày nhiều sương mù, trời lặng gió. Đây là thời điểm mà mọi người cần chú ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe như không tập thể dục ngoài trời vào sáng sớm, ra đường phải đeo khẩu trang đủ ngăn bụi mịn, không nên mở cửa lấy không khí vào các thời điểm nhạy cảm...
Air Visual, hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 TP trên thế giới sáng nay ghi nhận Hà Nội là TP ô nhiễm nhất thế giới. Trong khi đó, ra mắt từ đầu năm 2019, PAM Air đã có khoảng 80 điểm đo sensor ở một số tỉnh thành trên cả nước, trong đó Hà Nội khoảng 40 điểm. PAM Air dựa trên các thiết bị cảm biến đo chất lượng không khí theo thời gian thực (Online Air Quality Sensors). Dữ liệu tại các điểm đo sẽ được thu thập, xử lý và phân tích để tính toán ra Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index – AQI) và hiển thị trên cổng thông tin www.pamair.org và ứng dụng PAM Air trên điện thoại di động.
Chỉ số ô nhiễm được đo dựa trên nồng độ bụi PM2.5, là loại bụi siêu mịn (có kích thước chỉ như con virus). Trong khi các loại bụi có kích thước lớn hơn dù được hít vào nhưng sẽ được ngăn chặn và tống thải ra ngoài, còn loại bụi siêu mịn PM2.5 sẽ đi sâu vào phổi, vào mạch máu, gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm như bệnh phổi, tắc nghẽn mạch máu, đột quỵ, bệnh về não...
Xuân Hưng (vnmedia.vn)
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.