Đến năm 2030 tất cả cơ sở sản xuất làng nghề có đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường?

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/7/2022 | 9:44:42 Sáng

“Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” đặt mục tiêu 100% cơ sở sản xuất làng nghề đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, chương trình cũng phấn đấu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2030 tất cả cơ sở sản xuất làng nghề đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường
100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu…
Qua đó phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 6 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu, Chương trình đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, bao gồm: Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát huy làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; phát triển các làng nghề mới đảm bảo giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt, với mục tiêu nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững…
Thực tế hiện nay, môi trường ở các làng nghề bị ô nhiễm khá nghiêm trọng. Hầu hết các làng nghề chỉ tổ chức thu gom mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn.
Theo Hiệp Hội làng nghề Việt Nam, các làng nghề phát triển đang theo hình thức tự phát. Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ở mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.
Có tới 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, một số nơi lên đến hàng nghìn lần.
Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí cũng cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,8 lần.
Giới chuyên gia nhận định, hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: Ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng là do cách thức tổ chức quản lý sản xuất của các làng nghề hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Đa số làng nghề sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, cũng như thông tin thị trường…
Để khắc phục tình trạng này, chương trình cũng đưa ra việc phát triển làng nghề gắn với du lịch.
Cụ thể, chương trình sẽ thực hiện xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn đối với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển, nhân rộng.
Phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống (nhà thờ tổ nghề, không gian làm nghề, cảnh quan làng nghề...); khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát huy giá trị văn hóa của nghề và làng nghề trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phát triển các làng nghề mới đảm bảo giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững.
Đối với làng đã có nghề, Chương trình khôi phục, bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, đồng thời thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quan, môi trường làng nghề.
Với làng chưa có nghề, thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thông qua hình thức du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình, làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả…


Nguồn Báo Công Thương

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.