Ô nhiễm môi trường từ các chợ truyền thống

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2022 | 5:02:49 Chiều

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực chợ đã và đang trở thành mối lo về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

tm-img-alt
Những vũng nước bốc mùi tanh hôi nồng nặc tại khu chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền.

Ngày nay, xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngăn nắp, sáng đẹp góp phần làm cho hoạt động giao thương ngày càng sôi động.

Tuy nhiên, tại một số đô thị lớn vẫn tồn tại một số chợ xập xệ, ẩm thấp, mất vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và có nguy cơ xảy ra cháy nổ… Dù vẫn đáp ứng thói quen mua sắm của nhiều gia đình, nhưng việc cải thiện môi trường đang trở nên cấp bách để tăng sức cạnh tranh của chợ truyền thống.

Chợ Đọ, thành phố Bắc Ninh là chợ sầm uất của thành phố, nên không gian mua sắm khá ngột ngạt với các ki ốt chật hẹp. Nhiều hạng mục công trình như cầu chợ, hệ thống điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù có phân khu nhưng vẫn không ít quầy hàng thời trang xen lẫn với các hàng thực phẩm tươi sống.

Một tiểu thương bán quần áo tại chợ Đọ cho biết: "Chúng tôi bày bán hàng thời trang đòi hỏi phải sạch sẽ, thơm tho nhưng ngay trước mặt là hàng bán cua, thịt bốc mùi khó chịu ảnh hưởng đến khách hàng”.

 

Tương tự, tại chợ Cầu Kim do UBND phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh quản lý, người dựng dù, người căng bạt che mưa, nắng không theo trật tự. Được biết, đây là chợ hạng 3 được đầu tư xây dựng từ năm 1991, có tổng diện tích theo hiện trạng là 6.000 m2, trong đó có 140 ô cầu chợ, 14 ki ốt... Chợ xây dựng lâu năm nên nhiều hạng mục xuống cấp.

Tuy nhiên, ngoài hơn 200 tiểu thương đăng ký điểm bán với Ban Quản lý chợ còn có gần 300 tiểu thương lưu động, nên rất khó quản lý. Nhiều sạp hàng làm bằng gỗ, khó vệ sinh hàng ngày, thịt sống và chín có khi đặt cạnh nhau lẫn lộn, trông rất mất vệ sinh.

Góc thực phẩm tươi sống như cá, gia cầm luôn trong tình trạng ẩm ướt, mùi hôi, tanh bốc lên do hầu hết chủ hàng đều làm sạch tại điểm bán rồi thải trực tiếp ngay bên cạnh. Được biết, một số chợ có vị trí thu gom chất thải nhưng số lượng quá lớn, khi các tổ chức, cá nhân vệ sinh môi trường chưa kịp dọn dẹp và ứ đọng nhiều giờ sẽ bị phân hủy, bốc mùi khó chịu.

 

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng Ban Quản lý chợ Cầu Kim cho biết: "Mỗi ngày, chợ thải ra khoảng 1,1 tấn rác chủ yếu là hoa quả hư hỏng, phế phẩm thực phẩm, túi nilon… BQL chợ giao khoán cho 2 công nhân vệ sinh, thu gom rác 2 lần/ngày vào sáng sớm và đầu giờ chiều cũng chưa xuể, nên không tránh khỏi tình trạng mùi rác thực phẩm gây khó chịu cho người đến mua sắm”.

Theo quan sát, việc thu gom rác trong chợ cơ bản không được tiến hành phân loại, thường đổ lẫn cả rác thải không phân hủy như túi nilon, bao tải rách, xốp với các loại rác dễ phân hủy như rau cỏ thối, hỏng…

Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải ở nhiều chợ truyền thống chưa tốt. Vào những ngày mưa lớn gây ứ đọng nước, nghiêm trọng hơn là ngập lụt…

 

Chưa kể, hàng loạt chợ cóc, chợ tạm mọc lên tự phát, buôn bán ngay dưới lòng đường và xả rác bừa bãi cạnh khu vực họp chợ cũng gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Bà Tô Thị Hường, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Bắc Ninh cho biết: Trên địa bàn có 15 chợ gồm 3 chợ hạng II; 12 chợ hạng III. Thời gian qua, từ nguồn ngân sách, thành phố đầu tư xây mới, duy tu một số chợ, như chợ Nam Sơn, chợ Thị Chung... còn lại chưa đầu tư hoặc đang kêu gọi xã hội hóa. Hầu hết các chợ đều xây dựng cách đây hơn 20 năm về trước, nên hệ thống thu gom xử lý nước thải và chất thải xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đội ngũ cán bộ quản lý các chợ phần nhiều chưa qua đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường nên công tác quản lý rác thải còn hạn chế. Một số chợ tuy có sắp xếp ngành hàng nhưng do không quản lý được việc chuyển nhượng địa điểm kinh doanh dẫn đến lẫn lộn giữa hàng ăn uống với hàng tạp hóa… Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là ý thức của một số người mua và bán tại các điểm chợ vẫn chưa cao.

Tình trạng buôn bán lấn chiếm lề lòng đường rất phổ biến, thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi, đổ rác xuống cống rãnh thoát nước làm tắc cống”. Để duy trì sức sống của chợ truyền thống, thời gian tới, thành phố Bắc Ninh tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ từ ban quản lý /tổ quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp/ hợp tác xã. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, khai thác; tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh và quản lý chợ khai thác tiềm năng, lợi thế để đầu tư, nâng cấp, cải tạo và phát triển hệ thống chợ đáp ứng với xu thế phát triển hiện đại.

Cụ thể, khi xây dựng hoặc cải tạo chợ chú trọng xây dựng các hạng mục cơ bản như bố trí khu vực trung chuyển, thu gom xử lý rác phải được bê tông hoá mặt sàn, thuận tiện cho việc chuyên chở rác; bố trí các thùng rác tạm thời, hàng ngày phải có đội thu gom rác; khu bán hàng thực phẩm tươi sống dịch vụ ăn uống được bố trí riêng; khu giết mổ gia súc, gia cầm (nếu có) phải được bố trí riêng biệt, xa các hàng hóa khác…, thực hiện bảo trì thường xuyên cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động chợ được an toàn, văn minh, hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền giảm thiểu sử dụng túi nilon, đi chợ bằng làn và nâng cao ý thức mỗi tiểu thương, người dân không xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh môi trường để bảo vệ không gian mua sắm truyền thống này.

tm-img-alt
Bãi rác sau chợ. Ảnh minh họa

Là chợ đầu mối lớn nhất trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa, chợ đầu mối rau, quả, thực phẩm Đông Hương có trên 700 hộ kinh doanh (500 hộ cố định và trên 200 đối tượng kinh doanh tự do). Chợ hoạt động 24/24 giờ, với khối lượng hàng hóa từ nhiều nơi đổ về đã tạo ra áp lực lớn về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT).

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm, từ năm 2020 đến nay, ban quản lý chợ đã bố trí, phân luồng các xe chở hàng vào chợ, cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước thải, nhất là khu vực buôn bán thực phẩm, khu vực các hộ buôn bán, sơ chế gia cầm, thủy, hải sản có sử dụng nước và có nước thải. Bên cạnh đó, ban quản lý chợ đã yêu cầu tất cả tiểu thương phải thực hiện nghiêm túc việc bỏ rác vào đúng nơi quy định, bảo đảm sạch sẽ tại nơi chế biến, sơ chế thực phẩm, không xả nước thải bừa bãi... Tuy nhiên, do số lượng tiểu thương ngày càng tăng, lượng hàng hóa ngày một nhiều, bởi vậy đã dẫn đến tình trạng quá tải tại đây.

Khu vực bán thực phẩm tươi sống luôn trong tình trạng ẩm ướt. Mùi hôi tanh nồng nặc bốc lên từ quầy bán cá, gia cầm khiến cho không khí ngột ngạt. Xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng là muốn mua những loại gia cầm, hải sản đã được làm sạch nên hầu hết chủ hàng đều làm sạch ngay tại điểm bán.

Chợ Vạn Hà, thị trấn Thiệu Hóa ,Thiệu Hóa, Thanh Hóa có gần 300 hộ kinh doanh, buôn bán đủ các mặt hàng, từ quần áo, đồ gia dụng đến các loại nông sản, thực phẩm. Vì vậy, đây luôn là nơi giao thương của đông đảo Nhân dân. Tuy nhiên, do chợ được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, lại không được thường xuyên sửa chữa, nâng cấp, nên hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Dãy chợ bán các loại nông sản và thực phẩm tươi sống khá nhếch nhác. Sạp bán hàng được che tạm bợ, thịt được bày bán trên các bàn gỗ, tre đã ọp ẹp. Vào mùa mưa, cả khu chợ, nhất là khu bán nông sản, thực phẩm nước ngập lênh láng.

Mùa khô thì bụi bẩn, gây mất VSMT, nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) cao... Để bảo đảm VSMT tại chợ, đặc biệt là trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ban quản lý chợ Vạn Hà đã phổ biến, tuyên truyền cho các tiểu thương nâng cao ý thức giữ gìn VSMT chung cho chợ thông qua hành động thu gom rác thải, quét dọn sạch sẽ gian hàng sau mỗi buổi chợ. Đầu tư bàn bằng chất liệu inox để bày bán các nông sản, thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống nhằm góp phần bảo đảm ATTP.

Vừa qua, UBND thị trấn Thiệu Hóa đã đầu tư 40 triệu đồng để xây dựng, nâng cấp các rãnh thoát nước nhằm giải quyết trước mắt tình trạng nước thải trong chợ. Hiện, thị trấn đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi mô hình chợ để người dân có một nơi giao thương bảo đảm VSMT.

Tại các chợ đa phần mặt hàng thực phẩm khô như tôm, mực, cá... không có bao bì, nhãn mác, vì thế người mua khó biết được nơi sản xuất, hạn sử dụng của sản phẩm. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bày bán thực phẩm đã nấu chín xen lẫn sản phẩm tươi sống như thịt lợn quay, vịt quay, đồ chín để chung sạp với thịt chưa qua chế biến; các loại bánh, chè, khoai, thức uống... sát lề đường, không được che chắn... Mặc dù một số địa phương đã đưa ra các biện pháp nhằm khắc phục một phần tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chất lượng công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế.

Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 400 chợ, trong đó có 3/4 là chợ truyền thống được xây dựng lâu năm ở khu vực nông thôn, miền núi, nên VSMT tại nhiều chợ chưa được bảo đảm. Vì vậy, để hài hòa giữa phát triển thương mại với BVMT, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương theo hướng sạch đẹp, văn minh, ban quản lý các chợ cần chú trọng công tác tuyên truyền, trang bị thêm các bảng quy ước BVMT đặt trong khu vực chợ để các hộ kinh doanh nghiêm túc, tự giác chấp hành, góp phần giữ gìn khu vực kinh doanh sạch, đẹp, thông thoáng; thành lập và duy trì hoạt động quản lý BVMT chợ, đầu tư bổ sung trang thiết bị chứa rác; vận động các hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ thực hiện việc phân loại rác thải, hình thành ý thức tốt về phân loại rác tại nguồn, tạo thuận tiện cho việc thu hồi và tái chế sử dụng, từng bước đưa công tác quản lý BVMT đi vào chiều sâu.

Hạ Vân


Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.