Cấm sản xuất ống hút nhựa, hộp xốp, túi nilon chẳng chết ai
- Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2022 | 5:02:48 Chiều
Theo báo cáo của World Bank vừa công bố, ước tính, có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn.
Xin lưu ý, đây là con số rất mới, từ nghiên cứu của World Bank đã được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 7.2020 đến tháng 4.2021.
Phân tích những con số trong báo cáo, sẽ thấy có những việc chúng ta có thể làm để hạn chế rác thải nhựa, nhưng đã không quyết tâm làm. Ví dụ, theo số liệu khảo sát, túi nhựa và các mảnh vỡ từ túi, hộp xốp đựng thực phẩm và ống hút là một trong 5 loại nhựa hàng đầu xuất hiện nhiều nhất trong môi trường, chiếm 38%.
Người sử dụng ống hút nhựa không thấy nguy hại gì bởi vì chỉ cái ống nhỏ xíu thôi, nhưng hàng triệu ống hút nhựa được sử dụng mỗi ngày, Trái đất không chịu nổi gánh nặng.
Vậy tại sao không dẹp bỏ nó đi? Dẹp không phải là tuyên truyền, động viên không sử dụng, chuyện đó đã làm nhiều rồi, mà phải cấm sản xuất ống hút nhựa. Chỉ cho phép sản xuất ống hút bằng các nguyên liệu dễ phân hủy.
Các quý cô quý cậu, quý ông quý bà, không ngậm ống hút để uống nước thì cũng chẳng chết chóc gì, đó cũng chỉ là thói quen. Tại sao không bỏ thói quen đó để cứu môi trường sống của chúng ta.
Hộp xốp cũng vậy, chỉ cho phép sản xuất với nguyên liệu dễ tiêu hủy. Có thể giá thành cao hơn, nhưng cộng đồng phải chấp nhận để bảo vệ sông suối, biển cả, núi non, không khí cho chính mình và cho con cháu mai sau. Cái giá của tăng chi phí thay hộp xốp và túi nilon quả rẻ so với cái giá phải trả cho một môi trường sống bị hủy hoại.
Chỉ cấm sản xuất những thứ vừa nêu trên đã giảm được số lượng rác thải nhựa rất lớn, chưa kể nhiều loại khác có thể dùng nhiều biện pháp hạn chế. Ví dụ, đánh thuế thật nặng đối với túi nilon, khuyến khích và giảm thuế đối với túi sử dụng nguyên liệu tiêu hủy được nhanh.
Chúng ta đang đứng trước thảm họa về môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở nặng nề, tất cả là hậu quả của con người gây ra. Báo cáo của World Bank khuyến cáo, đến năm 2030, sau chưa đầy 15 năm, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu lên 54 triệu tấn.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai cuộc vận động hành khách không mang rác thải nhựa đến Côn Đảo trên các phương tiện vận tải. Tại sao không cấm hẳn?
Xin thưa, từ năm 2008, Rwanda - quốc gia ở Đông Phi - đã cấm sản xuất, sử dụng, bán và nhập khẩu túi nilon. Đến bây giờ chúng ta mới kêu gọi thì quá muộn.
Nguồn laodong.vn
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.