Dân kêu trời vì nhà máy thức ăn gia súc gây ô nhiễm
- Cập nhật: Thứ ba, 18/6/2013 | 11:00:04 Sáng
Hàng trăm hộ dân ở Điện Bàn và TP Hội An (Quảng Nam) chịu không thấu môi trường sống ô nhiễm vì nhà máy chế biến bột cá làm thức ăn gia súc của Công ty cổ phần chế biến nông lâm thủy sản Sông Ngân gây mùi hôi thối nhiều năm trời.
Bà Nguyễn Thị Bích (50 tuổi, thôn Hà My Tây, xã Điện Dương) bức xúc cho biết: "Hằng ngày từ khoảng 12g trưa, khi có gió thổi là mùi hôi lan tỏa cả khu vực không ai chịu nổi. Mỗi ngày có hàng chục xe đông lạnh chở cá biển ra vào công ty để chảy nước thối ra mặt đường. Chúng tôi phải đóng hết cửa lại nhưng vẫn thấy hôi. Nhà tôi bán quán ăn, do hôi quá mà khách không dám vào ăn”.
Có mặt tại thôn Bầu Ốc Thượng, đi từ đầu thôn đến cuối thôn, chúng tôi không chịu nổi mùi hôi thối cuốn theo gió bốc ra tại đây. Bà Nguyễn Thị Duyên (56 tuổi, một cư dân trong khu vực) phản ảnh: “Nhà tôi ở cách Công ty Sông Ngân khoảng 1km. Đầu giờ chiều, khi gió thổi xuống thì ở đây hôi khủng khiếp. Tình trạng này chúng tôi đã chịu đựng mấy năm trời. Không chỉ có mùi hôi thối mà ruồi còn xuất hiện rất nhiều quanh khu vực này. Cứ đến trưa ăn cơm là phải đóng cửa lại. Đi ra ngoài phải bịt khẩu trang chứ thối không chịu nổi”.
Ông Phan Xuân Toàn, trưởng thôn Bầu Ốc Thượng, cho biết thôn ông gánh chịu mùi hôi ô nhiễm nặng nhất. Cứ khoảng 22g đến 10g sáng hôm sau là hôi không chịu nổi. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết" - ông Toàn nói.
Ông Ngụy Như Mười, chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho hay: "Xã đã nhiều lần nhận được kiến nghị của người dân ở các thôn phản ảnh Công ty Sông Ngân gây mùi hôi thối và đã báo cáo lên UBND TP Hội An. Chúng tôi ở trong trụ sở xã cách mấy kilômet mà cũng thấy hôi thối nồng nặc huống hồ gì người dân ở gần đó. Vì công ty này nằm ở huyện khác nên chúng tôi chỉ biết kiến nghị lên UBND TP, tỉnh để giải quyết chứ để như vậy hoài thì tội cho dân".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quyết Thắng, phó giám đốc Công ty Sông Ngân, cho biết công ty chuyên sản xuất bột cá để làm thức ăn gia súc (nguyên liệu chủ yếu từ cá biển) và mới thay tên từ tháng 11-2012. Trước đây là nhà máy chế biến hải sản và thức ăn chăn nuôi (thuộc Công ty CP Đại Thành). Chu kỳ xử lý môi trường của nhà máy khép kín.
“Chúng tôi vẫn chưa nhận được phản ảnh của người dân. Nếu nhận được đơn phản ảnh, chúng tôi sẽ cử người đi xác minh mùi hôi có phải từ nhà máy của chúng tôi không và sẽ có hướng khắc phục” - ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Văn Rân, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Điện Bàn, cho biết Phòng tài nguyên - môi trường vẫn chưa nhận được phản ảnh của chính quyền địa phương và mới nghe thông tin này từ báo Tuổi Trẻ. “Chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra xác minh phản ảnh của người dân. Nếu thực tế là đúng, chúng tôi sẽ xử lý tùy theo mức độ ảnh hưởng môi trường mà Công ty Sông Ngân gây ra”.
LÊ TRUNG (Theo tuoitre Ngày 14/6/2013)
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.