Thu gom rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Sự điều chỉnh này được cho là cần thiết khi giá cả nhân công và nhiên liệu tăng cao, giúp đơn vị kinh doanh dịch vụ có điều kiện tái đầu tư phương tiện, thiết bị, nhân công cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Thu không đủ bù chi
HTX Thương mại và dịch vụ Phú Lợi (H.Định Quán) đang thu gom chất thải sinh hoạt tại 5 xã của H.Định Quán và thu gom cho cả TT.Tân Phú (H.Tân Phú). Những năm gần đây, hoạt động của HTX chủ yếu duy trì việc làm cho công nhân và trả nợ tiền vay đầu tư xe.
Giám đốc HTX Thương mại và dịch vụ Phú Lợi Phan Thanh Hùng cho biết, nhiều năm nay, HTX duy trì mức thu 10 ngàn đồng/cá nhân và 30 ngàn đồng/hộ gia đình/tháng. Mức thu này ở khu vực thị trấn, dân cư đông thì còn tương đối nhưng ở các xã vùng sâu, vùng xa thì HTX phải bù lỗ. "Lương công nhân môi trường cao hơn các ngành nghề khác nhưng nhiều người không muốn làm vì độc hại, nguy hiểm. Bên cạnh đó, còn phải tái đầu tư xe vì xe vận chuyển rác hao mòn rất nhanh. Tôi ủng hộ chủ trương cho tăng giá dịch vụ thu gom chất thải” - ông Hùng chia sẻ.
Tương tự, HTX Hà Sơn Bình (H.Long Thành) cũng phải lấy nguồn thu từ các lĩnh vực khác bù cho lĩnh vực thu gom rác. Giám đốc HTX Phạm Ngọc Lâm cho biết, năm 2019, HTX hợp đồng thu gom chất thải tại xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch), từ đó đến nay phải bù lỗ vì thu không đủ bù chi. "Chúng tôi thu gom rác với tần suất 6 ngày/tuần. Mức thu thấp, cộng thêm với việc khoảng 15% hộ gia đình không đóng tiền hằng tháng, nhiều hộ gia đình có phòng trọ cho thuê nhưng chỉ đóng 50-70% so với thực tế khiến HTX rất khó khăn. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn phải đảm bảo tần suất và thu gom hết rác ở địa bàn phụ trách” - ông Lâm nói.
Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Xí nghiệp môi trường Biên Hòa, giá thu gom chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình nhiều năm không thay đổi khiến các cộng tác viên gặp khó khăn trong thuê mướn nhân công, đổi mới phương tiện. Việc tỉnh điều chỉnh tăng giá dịch vụ thời điểm này là phù hợp, vì giá nhân công, nhiên liệu tăng và chất thải ngày càng nhiều. "Công nhân và cộng tác viên mong chờ điều này đã lâu. Đây là cơ sở để công nhân môi trường cải thiện đời sống, HTX dịch vụ đầu tư nâng cấp xe theo yêu cầu của tỉnh” - ông Vinh cho hay.
Theo các địa phương, giá dịch vụ thấp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng HTX, tổ hợp tác chậm đổi mới phương tiện vận chuyển, bỏ hoặc giãn tần suất thu gom chất thải, điều này làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Các địa phương như: Biên Hòa, Thống Nhất, Nhơn Trạch, Xuân Lộc cũng kiến nghị tăng mức giá lên khoảng 35-40 ngàn đồng.
Cho phép điều chỉnh tăng mức thu
Tại cuộc họp về quản lý chất thải rắn ngày 20-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, mức giá dịch vụ thu gom chất thải áp dụng từ năm 2017 không còn phù hợp với thực tế.
Số liệu đơn vị, phương tiện thu gom rác thải hộ gia đình trên địa bàn tỉnh năm 2021 - Nguồn Sở TN-MT (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)
Để tạo điều kiện cho HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, tái đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, tỉnh thống nhất cho điều chỉnh tăng giá dịch vụ thu gom chất thải lên 30-40 ngàn đồng/hộ gia đình/tháng và 50-300 ngàn đồng/tháng đối với cơ quan hành chính, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Sự điều chỉnh này mang tính chất tạm thời trước khi có hướng dẫn cụ thể về khung giá dịch vụ của các bộ, ngành. Sở Tài chính sẽ hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện.
Trưởng phòng Tài chính hành chính sự nghiệp, Sở Tài chính Huỳnh Minh Phước cho hay, trước đây Đồng Nai áp dụng tính phí thu gom chất thải; năm 2017, chuyển sang tính giá theo Luật Giá. Áp dụng tính giá thì Nhà nước không quy định mức thu cụ thể mà đơn vị dịch vụ thỏa thuận với khách hàng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên, năm 2019, Sở Tài chính có văn bản thông báo mức giá chung, mức giá này tương đương các năm trước. Để điều chỉnh mức thu hiện tại, đơn vị dịch vụ phải đề xuất với chính quyền địa phương, thỏa thuận với các hộ gia đình để có sự thống nhất.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, chính vì mức thu thấp, cộng với việc nhiều hộ gia đình không đóng tiền hằng tháng nên thành phố gặp không ít khó khăn trong quản lý chất thải. Hiện thành phố có 250 ngàn căn nhà nhưng chỉ hơn 50% đóng tiền thu gom rác hằng tháng. Tới đây, thành phố sẽ rà soát lại, yêu cầu các hộ gia đình đăng ký và đóng tiền thu gom rác. Thành phố sẽ giám sát việc tuân thủ quy định môi trường của người dân, thu gom rác của doanh nghiệp thông qua hệ thống camera đô thị thông minh.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ thu gom chất thải có thể dẫn đến hành vi từ chối đăng ký thu gom, trốn đóng tiền rác. Do đó, cần trích một phần chi phí từ giá thu này hỗ trợ các tổ cộng đồng tự quản giám sát việc đăng ký, thu gom chất thải.
Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10-1-2022 của Bộ TN-MT quy định, UBND cấp tỉnh quyết định hình thức thu giá dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, thể tích, bao bì hoặc hình thức khác. Giá dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được tính theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương; giá dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được tính theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý.
Văn bản số 8907/UBND-KTNS ngày 30-7-2020 của UBND tỉnh về xây dựng và thực hiện đơn giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các hộ dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quy định mức thu chung là 6 ngàn đồng/cá nhân/tháng và 28-30 ngàn đồng/hộ gia đình/tháng; 30-195 ngàn đồng/tháng đối với các hộ kinh doanh dịch vụ, trường học, cơ quan, đơn vị.
Mức giá mới tỉnh cho phép điều chỉnh là 30-40 ngàn đồng/hộ gia đình/tháng và 50-300 ngàn đồng/tháng đối với hộ kinh doanh dịch vụ, trường học, cơ quan, đơn vị.
Nguồn Báo Đồng Nai