Bắc Ninh: Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp nhân rộng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng IMO

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/8/2022 | 4:01:00 Chiều

Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ cho thấy phát huy hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ môi trường nông thôn, phục vụ sản xuất sạch.

Thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với trọng trách được giao, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện hướng dẫn mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình bằng mem vi sinh IMO trong cộng đồng dân cư. Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ cho thấy phát huy hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ môi trường nông thôn, phục vụ sản xuất sạch. Men vi sinh IMO gốc được làm từ nước sạch, men rượu, sữa chua, men tiêu hoá, chuối chín, đường phèn, cám gạo, rất dễ, có thể tự làm tại nhà, nguyên liệu sẵn có và rẻ, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp nên đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia hưởng ứng.
Bắc Ninh: Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp nhân rộng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng IMO
Hội viên phụ nữ huyện Gia Bình tận dụng nguyên liệu tại chỗ làm men vi sinh. Ảnh: Báo Bắc Ninh
Ngay sau khi được tỉnh giao nhiệm vụ, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai ngay mô hình phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh IMO bảo vệ môi trường, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới. Các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ và thực hành công nghệ sản xuất phân bón, bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ cho hội viên phụ nữ tại tất cả các huyện, thành phố. Đồng thời chỉ đạo mỗi huyện, thành phố lựa chọn 1 cơ sở Hội làm điểm mô hình thực hành phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, ứng dụng IMO để xử lý rác thải hữu cơ đã được phân loại tại hộ làm phân bón trồng rau, cây, chăm sóc đường hoa phụ nữ; xử lý mùi hôi từ nước thải, rác thải hữu cơ sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi, từ đó, thấy được hiệu quả thiết thực để nhân rộng ra tất cả hội viên phụ nữ cùng thực hiện. Hiện nay, các cấp Hội Phụ nữ đã tuyên truyền, vận động hàng chục nghìn lượt hội viên tham gia, hưởng ứng, đạt hiệu quả "kép”, với hàng trăm mô hình kinh tế hộ, HTX do phụ nữ làm chủ ứng dụng IMO trong sản xuất và chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt đã có hội viên phụ nữ làm chủ trang trại nông nghiệp "xin rác hữu cơ” về ngâm IMO để phục vụ trồng trọt như chị Nguyễn Thị Đáng, thôn Huề Đông, xã Đại Lai (Gia Bình), hay HTX trồng 10 ha rau, củ, quả ở Bình Dương (Gia Bình)… góp phần giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bền vững. Từ đó, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư về phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn. Ngay đầu tháng 7 vừa qua, Hội Phụ nữ xã Đại Đồng (Tiên Du) cũng tổ chức cho hội viên ra quân xử lý rác thải bằng men vi sinh IMO tại các điểm trung chuyển rác thải ở các thôn, nhằm hạn chế thấp nhất lượng rác thải tồn đọng trong dân cư. Đây là việc làm cấp thiết trong bối cảnh xã rất đông công nhân đến thuê trọ, sinh sống, làm việc, khiến lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất lớn. Việc sử dụng men vi sinh IMO tự chế tại nhà theo công thức, nguyên liệu có sẵn làm nước xịt khử mùi hôi trong không khí, biến rác hữu cơ thành phân bón vi sinh hoặc chế tạo thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ rất hiệu quả. Cách làm này vừa mang lại hiệu quả kinh tế, không tốn kém chi phí và quan trọng là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu hành động vì môi trường sạch. Với vai trò chủ đạo, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn về việc phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình, phấn đấu 100% hội viên phụ nữ toàn tỉnh tham gia thực hiện. Đồng thời kết hợp với các phong trào phân loại chất thải tại nguồn, nhân rộng mô hình làng 3 sạch, mô hình đường hoa, mô hình điểm làng Nông thôn mới kiểu mẫu... gắn liền với cuộc vận động "phụ nữ Bắc Ninh chung tay bảo vệ môi trường”... góp phần thực hiện thành công mục tiêu Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch của tỉnh.

Thanh Hằng (T/h)


Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.