Thừa Thiên - Huế: Nhiều mô hình giảm rác thải nhựa tại vùng biển

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/8/2022 | 10:00:43 Sáng

Để góp phần giảm rác thải nhựa tại vùng biển, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên – Huế đã xây dựng nhiều mô hình hay, ý nghĩa và đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Dự án "Nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch biển, đầm phá” của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Liên hiệp quốc (UNDP/GEF SGP) được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế triển khai thực hiện từ đầu tháng 12/2020. Nhiều chương trình, hoạt động đã được diễn ra, trong đó các mô hình ý nghĩa đã giúp tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là đối với các loại rác thải nhựa và túi ni lông sử dụng 1 lần trên địa bàn giảm rõ rệt.

Các thành viên trong câu lạc bộ "Sống xanh vì cộng đồng” ở phường Thuận An trồng hoa ở các tuyến đường
Câu lạc bộ "Sống xanh vì cộng đồng” hình thành vào cuối năm 2020 tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (TP. Huế) với 100 thành viên. Các thành viên đã trực tiếp hướng dẫn phân loại, thu gom rác tại nguồn, ứng dụng vi sinh trong xử lý rác hữu cơ tại gia đình, kiểm tra việc triển khai thực hiện sử dụng các thiết bị tại các hộ gia đình.
Hằng tuần ra quân vệ sinh môi trường tại các điểm đen gây ô nhiễm môi trường, tiến hành hỗ trợ chăm sóc trồng cây xanh..., qua đó đã tiến hành được 280 đợt ra quân với gần 3.250 lượt thành viên tham gia, phát hơn 7.000 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa tại cộng đồng dân cư.
Mô hình "Câu lạc bộ ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” tại xã Phú Thuận và phường Thuận An ra đời năm 2021 với 30 thành viên (mỗi câu lạc bộ 15 người), qua đó đã tiến hành hỗ trợ 60 thùng rác, phân loại rác tại các tàu, thuyền của vùng thực hiện dự án nhằm thực hiện các công tác thu gom, phân loại trong các hoạt động trên biển. Mỗi thành viên (thuyền) được hỗ trợ 1 thùng rác 240 lít để chứa rác thải vô cơ và 1 thùng rác 120 lít để chứa rác thải hữu cơ.
Từ khi thành lập đến nay, hai câu lạc bộ đã tiến hành 8 đợt ra khơi đánh bắt thủy hải sản trên biển, qua đó đã thu gom hơn 7,5 tấn rác thải. Ngoài ra đã duy trì việc đánh bắt thủy hải sản đảm bảo không ảnh hưởng đến tình trạng ô nhiễm môi trường, tiến hành vớt rác trên biển, nhất là đối với rác thải nhựa và ni lông. Bên cạnh đó, các thành viên tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là phong trào Ngày Chủ nhật xanh.

Tặng thùng rác cho câu lạc bộ ngư dân trẻ ra khơi bám biển
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thừa Thiên – Huế cũng đã xây dựng các mô hình "Thôn không rác thải”, hỗ trợ thùng rác hợp vệ sinh phân rác tại nguồn. Kết quả đã hỗ trợ vật tư và đào tạo kỹ thuật cho các thành viên tham gia mô hình trong vấn đề liên quan đến xử lý, phân loại rác thải và rác thải nhựa. Hỗ trợ và xây dựng 569 bộ 3 thùng rác hợp vệ sinh phân rác tại nguồn; 629 giỏ đi chợ cho người dân. Đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn về hướng dẫn phân loại, thu gom rác tại nguồn, ứng dụng vi sinh trong xử lý rác hữu cơ với hơn 200 hộ gia đình tham gia, qua đó thực hiện có hiệu quả mô hình, đồng thời nhận thức của người dân được thay đổi về công tác phân loại rác tại hộ gia đình và các hộ kinh doanh.
Theo lãnh đạo Tỉnh đoàn Thừa Thiên – Huế, "Thôn không rác thải” là một trong những mô hình trọng điểm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, ý thức sống xanh. Mô hình còn thực hiện mục tiêu gắn phát triển du lịch biển, đầm phá và kinh tế biển với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương...

Tập huấn về hướng dẫn phân loại, thu gom rác tại nguồn... cho các hộ gia đình vùng biển
Ngoài ra, Tỉnh đoàn Thừa Thiên – Huế còn xây dựng mô hình tuyến đường "Sáng, xanh, sạch, đẹp - Trật tự trị an”. Ban đầu dự án xây dựng mô hình bằng tuyến điện chiếu sáng, tuy nhiên qua quá trình triển khai thực hiện, để phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương, Ban Điều hành dự án đã chủ động đề xuất Văn phòng UNDP chuyển đổi hình thức xây dựng mô hình tuyến điện qua lắp đặt camera an ninh.
Đến tháng 8/2021, đã tiến hành khánh thành và đưa vào hoạt động tuyến đường tại phường Thuận An và xã Phú Thuận. Qua đó đã tiến hành lắp đặt 4 camera để theo dõi xử lí kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường tại tuyến đường, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương.
Anh Nguyễn Thanh Hoài – Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên – Huế cho rằng, trong bối cảnh ô nhiễm vùng biển ngày các đáng báo động như hiện nay, các mô hình trên rất có ý nghĩa, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân...
"Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục duy trì cũng như hình thành nên nhiều mô hình hay hơn, đa dạng hơn, chung tay thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế theo hướng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường, làm cho Huế ngày càng xanh - sạch – sáng...”, anh Hoài chia sẻ.


Nguồn Báo TN&MT
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.