Bao giờ Hà Nội xử lý hết ô nhiễm môi trường làng nghề?
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/3/2020 | 3:47:44 Chiều
Sở Công Thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường 80 làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2030 với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, vậy đến khi nào sẽ xử lý hết ô nhiễm môi trường làng nghề tại Hà Nội?
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 vừa rồi cho biết, hiện chỉ có 26,7% cơ sở làng nghề là có thu gom nước thải công nghiệp và 20,9% số làng nghề có thu gom chất thải rắn công nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Do hạn chế về công nghệ và kỹ thuật sản xuất nên các các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại nhất. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng.
Kết cấu hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống thủy sinh vật cũng như môi trường sống của cộng đồng, mà trước tiên người dân làng nghề phải gánh chịu hậu quả.
Vì vậy, mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải, trở thành các "điểm đen” về ô nhiễm môi trường.
Năm 2020 xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm
Thực hiện Đề án "Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, Sở TN&MT Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường. Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ "Rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề”. Theo đó, năm 2019, rà soát, đánh giá phân loại 128 làng nghề. Năm 2020, rà soát đánh giá phân loại 107 làng nghề; xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu vực làng nghề trong giai đoạn 2018 – 2020, tiến tới 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá, phân loại theo Thông tư 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương...
Sở Công Thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.
Một thực tế cho thấy, việc xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả dù có đầu tư lớn. Cụ thể, như huyện Hoài Đức, Hà Nội, năm 2002, xã Minh Khai đã đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải, công suất 120 m3/ngày, đêm nhưng lại đặt sai vị trí nên đành phải "đắp chiếu” ngay sau đó; Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng có tổng mức đầu tư 231,5 tỷ đồng, thực hiện đầu tư trong thời gian 2014 - 2016, song đến nay vẫn ở giai đoạn thi công; Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà, xã Dương Liễu, công suất thiết kế 20.000 m3/ngày, đêm được đưa vào vận hành vào tháng 10/2016 để xử lý nước thải làng nghề của các xã Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế.
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.