Phân loại rác tại nguồn: Khó nhưng cần thực hiện
- Cập nhật: Thứ ba, 24/10/2023 | 9:05:45 Sáng
Rác thải sinh hoạt không được phân loại đúng cách sẽ rất khó tái chế, tái sử dụng hay xử lý; trong khi đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt vẫn gia tăng mỗi năm, nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải tại các tỉnh, thành đang trong tình trạng quá tải.
Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt hành chính đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ bắt đầu từ ngày 31/12/2024. Để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành hướng dẫn, lộ trình cụ thể và phổ biến đến người dân nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự thay đổi.
Tại Hà Nội, nhiều người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt, thậm chí chưa hiểu phân loại rác để làm gì hay cách thức phân loại như thế nào. Các loại rác hiện vẫn được vứt chung một chỗ, chờ nhân viên vệ sinh môi trường đến thu gom, phân loại. Khảo sát khu vực tập kết thùng rác của một số khu dân cư trên địa bàn Thủ đô, có thể nhận thấy hình ảnh quen thuộc, các túi rác đủ màu, trong đó đủ loại rác thải hữu cơ, vô cơ như hộp nhựa, chai nhựa, đồ ăn vứt đi, thậm chí pin cũ hỏng… vẫn trộn lẫn với nhau, toả ra mùi khó chịu. Đáng nói, không chỉ tại Hà Nội mà phần đông dân cư tại các đô thị, nông thôn trên cả nước vẫn còn khá "mơ hồ” về phân loại rác.
Rác thải sinh hoạt không được phân loại đúng cách sẽ rất khó tái chế, tái sử dụng hay xử lý; trong khi đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt vẫn gia tăng mỗi năm, nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải tại các tỉnh, thành đang trong tình trạng quá tải. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là 60.000 tấn/ngày; trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Chỉ riêng 2 thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Đáng chú ý, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa đạt 100%. Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sẽ tăng từ 10 - 16%/năm.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định, việc phân loại rác thải tại nguồn là bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền và yêu cầu khắc phục. Mặt khác, những hộ thải bỏ lượng rác thải nhiều sẽ phải trả phí cao, ưu tiên miễn phí cho lượng rác thải đã được phân loại.
Còn theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, thì bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng. Thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 31/12/2024. Chế tài xử phạt hành vi không phân loại rác sẽ góp phần thúc đẩy người dân thay đổi hành vi, tăng tính răn đe trong xã hội đối với người không tuân thủ.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa biết tới quy định này, cho dù đến nay đã hơn một năm kể từ khi Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực và chỉ còn hơn một năm nữa quy định xử phạt sẽ có hiệu lực.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Dự thảo đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới và khảo sát tại một số tỉnh của Việt Nam. Theo tiến độ, Dự thảo sẽ được ban hành trong tháng 10. Dựa trên các nguyên tắc phân loại, kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt kèm theo phụ lục hướng dẫn, UBND các tỉnh căn cứ vào những nội dung để cụ thể hóa, triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý tại địa phương, bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành.
Sau khi đã có hướng dẫn kỹ thuật, thiết nghĩ cũng cần có lộ trình cụ thể để triển khai tới từng địa phương, khu dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Bởi thay đổi thói quen xã hội không dễ đạt được trong thời gian ngắn. Cần làm tốt công tác chuẩn bị để những quy định pháp luật sớm đi vào thực tế cuộc sống.
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.