Phụ nữ tỉnh Long An phát động phong trào xách giỏ đi chợ, thực hiện nếp sống xanh

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/10/2023 | 2:03:53 Chiều

Không chỉ xách giỏ đi chợ, mỗi chị em còn là một tuyên truyền viên tuyên truyền tiểu thương, các bà nội trợ hạn chế sử dụng túi nylon.

Nhằm tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về ý thức bảo vệ môi trường, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Bến Lức, tỉnh Long An phát động chị em xách giỏ đi chợ, thực hiện nếp sống xanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn các xã, thị trấn.

Phụ nữ xách giỏ đi chợ, thực hiện nếp sống xanh
Chị em phụ nữ xách giỏ đi chợ và sử dụng túi nylon tự hủy sinh học thân thiện với môi trường tại huyện Bến Lức

Không chỉ xách giỏ đi chợ, mỗi chị em còn là một tuyên truyền viên tuyên truyền tiểu thương, các bà nội trợ hạn chế sử dụng túi nylon. Đi chợ, nấu cơm là việc thường ngày vào mỗi buổi sáng của bà Nguyễn Thị Điệp - hội viên Chi hội PN khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. Thời gian gần đây, thay vì sử dụng túi nylon như trước, bà Điệp sử dụng giỏ xách để đựng thực phẩm. Bà Điệp cho biết: "Trước khi đi chợ, tôi lên danh sách các loại thực phẩm sẽ mua để mang theo hộp đựng thịt heo, tôm, cá; còn rau, củ thì đựng trong giỏ xách. Xách giỏ đi chợ vừa đựng được nhiều thực phẩm, vừa hạn chế sử dụng túi nylon”.

Xách giỏ đi chợ còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Đây cũng là cách để cụ thể hóa nội dung cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”. Bà Trần Thị Hai (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) chia sẻ: "Sau khi được tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, nhất là túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với môi trường, sức khỏe con người, tôi hạn chế sử dụng túi nylon và dùng giỏ xách khi đi chợ”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bến Lức - Trần Thị Hóa cho biết: "Thời gian tới, Hội tăng cường tuyên truyền về những tác hại của túi nylon cũng như sản phẩm nhựa sử dụng một lần để PN hiểu và hạn chế sử dụng, thay vào đó là dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ tiêu hủy. Ngoài ra, Hội vận động cán bộ, hội viên, PN tích cực tham gia thu gom, phân loại rác thải nhựa trong gia đình; đồng thời, nhân rộng các mô hình PN mang giỏ xách đi chợ, Ngôi nhà xanh, Phân loại rác thải tại nguồn để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư”.

Để môi trường sống trở nên tốt đẹp hơn, mỗi người cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, nói không với sản phẩm nhựa./.

NGỌC ANH (T/h)

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.