Tái chế rác thải nhựa, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn là câu chuyện không mới, được lên tiếng rất nhiều lần. Thế nhưng giải pháp cho những vấn đề này ở nước ta mới chỉ là những "câu chuyện trên giấy”.
Để tạo ra tương lai không ô nhiễm nhựa, chúng ta phải vượt khỏi mô hình hiện nay là thu mua - xử lý tuyến tính để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn: giảm - tái sử dụng - tái chế. Trong nền kinh tế tuần hoàn, rất ít nhựa sẽ trở thành chất thải hoặc gây ô nhiễm.
Mô hình kinh tế tuần hoàn chỉ hiện thực khi có nhiều đột phá về khoa học và mô hình kinh doanh, rất nhiều thay đổi hành vi, các chính sách công cụ thể và hiệu quả. Dù vậy, chúng ta có thể làm được, với những kinh nghiệm của quốc tế và sự hỗ trợ các nước trong vấn đề toàn cầu chung tay giảm thiểu rác thải nhựa.
Tại Việt Nam, 2,62 triệu tấn nhựa mỗi năm được thải bỏ với 75% tổng giá trị nguyên liệu của chất dẻo bị mất, là cơ hội lớn cho ngành tái chế. Nếu có những cơ chế chính sách của Nhà nước tạo điều kiện, các nhà đầu tư có thể đưa thị trường này vào cuộc sống trong nay mai, có thể là 5 hoặc 10 năm tới.
Côn Đảo là một huyện đảo tại Bà Rịa-Vũng Tàu mất rất nhiều năm "đau đầu” vì rác thải không được xử lý, tái chế. Hiện nay rác thải sinh hoạt và du lịch trên đảo ước tính khoảng 25 tấn/ngày (trong đó lượng rác nhựa chiếm gần 2 tấn) trong khi công suất xử lý của nhà máy xử lý rác thải hiện hữu trên địa bàn huyện chỉ khoảng 10 tấn/ngày. Nhưng điều đó sẽ hoàn toàn thay đổi trong tương lai không xa. Bởi giờ đây Bà Rịa-Vũng Tàu đang có những chính sách quyết liệt để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại nơi đây.
Đây là giải pháp vừa giải quyết được các thách thức, áp lực hiện tại cho Côn Đảo và vừa phát huy được các thế mạnh của hòn đảo này; đặc biệt là xây dựng một hòn đảo du lịch sinh thái xanh, sạch, đẹp bậc nhất cả nước.
Xây dựng kinh tế tuần hoàn ở Côn Đảo là bước đi đầu tiên để biến "câu chuyện trên giấy” thành hiện thực. Và điều đó đang được làm mạnh mẽ với số tiền chi cho việc thực hiện là hơn 760 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm khoảng 75%, còn lại là nguồn xã hội hóa, huy động sự chung tay của các nhà đầu tư khu vực tư nhân.
Trong quá trình "hiện thực hóa” những chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đảo ngược ô nhiễm nhựa, mỗi chúng ta nên góp sức đẩy nhanh quá trình này bằng cách giảm và tái sử dụng các vật dụng nhựa. Sử dụng túi đi chợ thay vì túi nilông đựng thực phẩm. Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần, tham gia quá trình phân loại rác và chung tay bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất.
ĐINH OANH