Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai tham vấn cộng đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang (phường Đa Mai, TP Bắc Giang).
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh trung bình khoảng 965 tấn/ngày. Khối lượng rác tồn lưu tại các điểm tập kết, khu xử lý là 5.800 tấn.
Được biết, số rác đã được thu gom chưa được xử lý triệt để, mới xử lý được khoảng 747 tấn/ngày, đạt tỷ lệ hơn 87%. Hoạt động xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chủ yếu thực hiện theo phương pháp đốt và chôn lấp. Do đó, Trong báo cáo ĐTM khẳng định việc đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện là nhu cầu cấp thiết với Bắc Giang.
Theo phương án thiết kế, Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang có công suất xử lý rác 750 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 12MW. Báo cáo ĐTM khẳng định, dự án được xây dựng hoàn toàn trong quy hoạch khu xử lý chất thải rắn, không phải đền bù giải phóng mặt bằng.
Diện tích đất được bàn giao cho xây dựng dự án gần 66.000m2 giáp ranh với bãi rác TP Bắc Giang.
Toàn bộ dự án không có yêu cầu di dân, tái định cư; cách cụm dân cư đồi Chăn nuôi, thôn Lò, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng khoảng 10m; cách khu dân cư thôn Lò, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng khoảng 500m và cách khu dân cư Thanh Mai, phường Đa Mai 1.000m.
Dự án giáp ranh với suối Hoàng Thanh- một nhánh sông nhỏ của sông Thương. Suối Hoàng Thanh được dự kiến là nơi tiếp nhận nước thải sau xử lý của dự án.
Bắc Giang sắp có nhà máy đốt rác phát điện 750 tấn/ngày đêm (Ảnh: Internet)
Chủ đầu tư dự án - Công ty TNHH năng lượng môi trường Bắc Giang, đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 (đơn vị tư vấn) lập báo cáo ĐTM theo hướng dẫn tại Luật Bảo vệ môi trường, trong đó lựa chọn công nghệ đốt chất thải kết hợp phát điện.
Lò đốt cơ học kiểu Martin (Đức) có ưu điểm đốt rác không cần phân loại đầu nguồn, dễ dàng vận hành và bảo trì, đã được sử dụng phổ biến trên thế giới và kiểm chứng trong thực tế tại một số quốc gia có tính chất rác thải tương tự như Việt Nam.
Ghi lò được sản xuất từ Trung Quốc đã được cải tiến theo công nghệ Martin (Đức) để phù hợp với tính chất rác không phân loại, độ ẩm cao của châu Á.
Về các yếu tố nhạy cảm môi trường, báo cáo ĐTM khẳng định, dự án được xây dựng hoàn toàn trong quy hoạch khu xử lý chất thải rắn, không phải đền bù giải phóng mặt bằng.
Dự kiến, các hạng mục công trình, lắp đặt máy móc thiết bị sẽ được bắt đầu từ tháng 6/2024 đến tháng 8/2025; đi vào hoạt động từ tháng 10/2025.
"Nhà máy sử dụng công nghệ đốt không phân loại do vậy toàn bộ lượng rác sẽ được đưa thẳng vào nhà máy bằng xe chở rác chuyên dụng. Chủ dự án đã lựa chọn sử dụng lò ghi cơ khí cho công nghệ đốt rác phát điện là lựa chọn tối ưu nhất. Đây là công nghệ lò đốt có khả năng thích ứng mạnh với chất thải, ít sự cố, hiệu suất xử lý tốt và hiệu suất xử lý môi trường tốt, chi phí thấp", báo cáo ĐTM đánh giá.
Tỉnh Bắc Giang đang có bước phát triển ngoạn mục. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, tỉnh Bắc Giang thu hút hơn 900 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 7,2 tỷ USD. Đáng ghi nhận, liên tục những năm gần đây, Bắc Giang luôn ở trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI. 9 tháng năm nay, thu hút đầu tư trên địa bàn đạt gần 1,1 tỷ USD, trong đó thu hút FDI đạt hơn 830 triệu USD, đứng thứ 6 cả nước.
Các dự án không ngừng tăng quy mô, DN hoạt động hiệu quả đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Một "mốc son” đáng nhớ là sau 20 năm tái lập tỉnh, Bắc Giang đã có chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 13,3%, vượt 2,8% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định) năm 2017 đạt 91.608 tỷ đồng, gấp 572 lần so với năm 1997.
Liên tiếp những năm tiếp theo, Bắc Giang đều có tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 16%, là mức tăng trưởng kỷ lục, đưa Bắc Giang vào tốp 3 địa phương phát triển nhanh nhất của cả nước.
Tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang có sự bứt phá mạnh mẽ. Từ tỉnh thuần nông, Bắc Giang đã phát triển trọng tâm là công nghiệp, tăng trưởng dẫn đầu cả nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu cả nước về quy mô GRDP. Đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng. Đây là thông điệp chính trị thể hiện quan điểm, tư tưởng lớn của Đảng bộ về những định hướng phát triển của tỉnh.
Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2030, xác định rõ quan điểm, mục tiêu phát triển công nghiệp thời gian tới. Tỉnh định hướng xây dựng "hệ sinh thái công nghiệp bền vững"; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư theo phương châm lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí ưu tiên.
Ưu tiên thu hút các DN, nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn lực, đóng góp nhiều cho ngân sách và có khả năng liên kết, hỗ trợ phát triển các DN trong nước.
TUỆ NHI