Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) - dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tiếp tục thảo luận biện pháp cắt giảm mức phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Đây là nỗ lực mà nhiều nước đã thúc đẩy trong hàng chục năm qua.
COP28 diễn ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với thảm họa thiên nhiên với cường độ và tần suất ngày càng tăng như nhiệt độ cao kỷ lục, những cơn đại hồng thủy, hạn hán và cháy rừng.
Trước thềm hội nghị, nhiều nhà khoa học nghiên cứu lịch sử biến đổi khí hậu đã dẫn chứng quá trình và cách thức dẫn đến cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra ngày càng trầm trọng hiện nay.
Với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả", hội nghị lần này tập trung vào 4 trụ cột gồm: theo dõi sát sao quá trình chuyển đổi năng lượng; xử lý vấn đề tài chính khí hậu; thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân; tăng cường bao quát mọi mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Theo Ban tổ chức, COP28 sẽ bổ sung thêm chương trình đại biểu khí hậu dành cho giới trẻ lớn nhất từ trước đến nay và các gian trưng bày dành cho người bản địa, với nhiều hoạt động thực chất nhằm tìm kiếm giải pháp bảo vệ 80% đa dạng sinh học của thế giới.
Các nhà khoa học nêu rõ trong hàng trăm năm qua, con người đã có những hoạt động làm thay đổi môi trường xung quanh theo cách đem lại lợi ích cho chính họ.
Từ việc làm cạn kiệt sông hồ trữ nước để lấy diện tích xây dựng cho đến việc khai thác nhiên liệu hóa thạch như than, dầu khí để lấy năng lượng tiêu dùng và trao đổi thương mại,... tất cả những hoạt động này đều được kỳ vọng đem lại những lợi nhuận về kinh tế.
Thế nhưng, chính những hoạt động như vậy đã làm thay đổi khí hậu của Trái Đất mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thảm họa biến đổi khí hậu đang đến gần.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: IT
Tại Mexico City, nhiều hồ chứa nước đã cạn kiệt từ lâu, dần trở thành diện tích phát triển các khu nhà ở. Mexico City chỉ là một minh chứng về việc con người chuyển đổi môi trường tự nhiên theo cách mà họ cho rằng đem lại lợi ích.
Theo Giáo sư Luis Zambrano thuộc Đại học Tự trị quốc gia Mexico, con người đang tạo ra những vấn đề nghiêm trọng gây hủy hoại môi trường khi khai thác lượng nước ngầm nhiều đến mức làm cạn kiệt các sông hồ.
Không chỉ ở Mexico City, tại nhiều nơi khác trên thế giới, tình trạng suy giảm rừng tự nhiên xảy ra khá phổ biến. Trong đó, rừng bị chặt phá để lấy đất làm nông nghiệp hoặc chăn nuôi gia súc, trong khi khu vực sinh thái xung quanh bị ô nhiễm do các hoạt động khai thác khoáng sản và tài nguyên. Những hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên có thể đem lại lợi ích về mặt kinh tế, nhưng cũng là nhân tố chính dẫn đến hủy hoại môi trường và gia tăng phát thải gây ô nhiễm.
Tại Anh, than đá không phải là nguồn năng lượng duy nhất phục vụ sưởi ấm và sinh hoạt của người dân nước này. Thế nhưng, từ cuối thế kỷ thứ 18 và 19, người dân Anh đã chuộng sử dụng than đá hơn những nguồn năng lượng khác, nhất là khi có những phát minh công nghệ như đầu máy xe lửa hơi nước và những động cơ hơi nước khác. Anh có kế hoạch ngừng sử dụng than để sản xuất điện năng kể từ cuối năm 2024. Mặc dù vậy, những hậu quả của việc khai thác và sử dụng than đá vẫn hiển hiện ở các thị trấn cảng ở phía Bắc và nhiều khu vực ở xứ Wales và Scotland. Tại những nơi đó, nhiều mỏ khai thác than bị bỏ lại sau khi ngừng khai thác đã để lại cảnh tượng ảm đạm, cùng với đó là rác thải và đất đá chất đống ngổn ngang.
Trong khi đó, bà Anya Zilberstein - nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu, làm việc tại Đại học Concordia ở Montreal (Canada), viện dẫn việc người châu Âu thực dân hóa châu Mỹ từ thế kỷ 16 và 17 là chất xúc tác ban đầu cho các cuộc khủng hoảng môi trường và khí hậu thời hiện đại. Bà Zilberstein cho rằng những hoạt động như đốn cây để lấy đất canh tác theo phương thức của châu Âu đã làm cạn kiệt nước đầm hồ và gây biến đổi khí hậu.
Theo tổ chức Global Carbon Project (Dự án Carbon Toàn cầu) hoạt động về lĩnh vực biến đổi khí hậu, trong năm 2021, con người đã tạo ra lượng phát thải CO2 gấp 4 lần so với mức khoảng 9 tỷ tấn CO2 trong năm 1960.
Ông Joshua Howe, nhà nghiên cứu về môi trường tại trường Reed ở thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ), cho rằng việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh là một quá trình không dề dàng.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu lịch sử Fredrik Albritton Jonsson làm việc tại Đại học Chicago (Mỹ) nhấn mạnh nếu quan tâm đến tăng trưởng bền vững thì các nước cần vận hành các hoạt động kinh tế theo cách hạn chế sử dụng tài nguyên và nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
AN ĐÔNG (T/h)