Phụ nữ Gia Bình (Bắc Ninh) tiên phong bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/12/2023 | 4:41:58 Chiều

Hội LHPN huyện Gia Bình xây dựng kế hoạch, các nội dung phần việc phụ nữ làm trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Thực hiện Đề án "Tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019 -2025”, phong trào "Chống rác thải nhựa” và Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội LHPN huyện Gia Bình cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, triển khai các hoạt động thiết thực, phù hợp và đạt nhiều kết quả tích cực.

Hằng năm, Hội xây dựng kế hoạch, các nội dung phần việc phụ nữ làm trong triển khai thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các hoạt động "vì môi trường sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới bằng các hoạt động thiết thực. Hội lập nhóm zalo để triển khai, nắm bắt thông tin và việc thực hiện của các cơ sở Hội thông qua báo cáo hằng ngày, hướng dẫn cách làm khi các đơn vị làm chưa đúng, bổ sung các công thức quy trình mới theo hướng dẫn; lập nhóm zalo, facebook để hướng dẫn kiến thức làm vi sinh, phân loại rác và lan tỏa các hoạt động đến cộng đồng. Hằng tháng, Hội LHPN các xã, thị trấn phân công cán bộ Hội và hội viên nòng cốt trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn từ 5-10 hộ về cách phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ, cách làm và nhân vi sinh IMO để tự phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình và ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi.


Hội viên phụ nữ tổ chức thu gom bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật làm sạch đồng ruộng

Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, Hội phối hợp tham mưu Thường trực Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 01- NQ/HU về việc triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; tham mưu hỗ trợ hơn 5.100 thùng chứa rác hữu cơ để xử lý bằng công nghệ vi sinh IMO. Hội tham mưu với UBND xã, thị trấn hỗ trợ kinh phí mua nguyên liệu làm vi sinh, thùng, găng tay, túi lưới... để phân loại rác thải hữu cơ tại gia đình trị giá hơn 280 triệu đồng. 14 xã, thị trấn ban hành Nghị quyết và xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết, ký cam kết đến các hộ dân về việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình và không thu rác đối với các hộ chưa phân loại. 5 năm qua, Hội cho ra mắt 11 "Làng 3 sạch”, 3 "Làng nông thôn mới kiểu mẫu”, 5 "Làng quê an toàn”, 1 "Chi hội 5 không, 3 sạch”, 2 mô hình "Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”. Toàn huyện có 4 "Khu dân cư không rác thải” với hơn 1.000 hộ tham gia, 74 "Chi hội Phụ nữ phân loại rác thải tại gia đình và sử dụng IMO để xử lý rác thải hữu cơ” với 12.600 hộ tham gia. Hội duy trì và nhân rộng được 186 Đoạn đường phụ nữ tự quản và 62,8 km đường hoa...

Sau khi được tuyên truyền, tập huấn, đến nay các cấp Hội vận động hội viên, phụ nữ làm được gần 240.000 lít vi sinh IMO, 59 tấn vi sinh IMO đậm đặc và vận động được 18.500 hộ phân loại rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đạt hiệu quả tốt. Hội phối hợp với UBND các xã, thị trấn xử lý được 152 lượt bãi rác thải tập trung bằng công nghệ vi sinh IMO với lượng rác thải xử lý là 23.800m3. Do được xử lý thường xuyên nên lượng rác thải chuyển ra bãi rác tập trung còn rất ít, không còn mùi hôi, ruồi, muỗi tại bãi rác, lượng rác thải giảm khoảng 70%.

Hiện nay, xã Quỳnh Phú có khoảng hơn 200 hộ tận dụng rác thải hữu cơ xử lý thành phân bón đưa ra đồng ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hội cũng vận động một gia đình áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ tận dụng thức ăn thừa ủ men vi sinh để nuôi 18 con lợn, 200 con gà, vịt đạt kết quả rất tốt, giảm khoảng 50% chi phí chăn nuôi. Ngoài ra, để tận dụng rác thải hữu cơ thành phân bón trên bãi rác, Chi hội Phụ nữ thôn Phú Dư tham mưu cấp ủy mua cây và vận động xã hội hóa trồng các loại cây, tạo cảnh quang bãi rác xanh-sạch-đẹp. Phong trào lan tỏa rộng khắp khiến cho cảnh quan môi trường thay đổi, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên, các con đường vào các thôn, xóm, xanh đẹp và thân thiện. Đồng chí Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Bình chia sẻ: Chúng tôi xác định việc vận động hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình là cả một quá trình từ việc thay đổi nhận thức, thói quen đến hành vi, không thể một sớm một chiều.

Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, sự sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cùng sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ hội nhiệt tình, năng động, phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của phụ nữ Gia Bình đạt nhiều kết quả tích cực. Mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh IMO tại huyện Gia Bình cũng được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ban ngành tỉnh đánh giá cao về hiệu quả của mô hình và đưa ra nhiều nhóm giải pháp để xử lý triệt để rác thải hữu cơ tại gia đình.

Thông qua các mô hình bảo vệ môi trường của các cấp Hội Phụ nữ Gia Bình tác động đến nhận thức, từng bước thay đổi hành vi, thói quen của từng hội viên, phụ nữ trong việc giữ gìn vệ sinh và tham gia các hoạt động cộng đồng, góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương. Hội LHPN huyện Gia Bình sẽ tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình, chú trọng hướng dẫn các gia đình, các HTX, các tổ liên kết do Hội thành lập, các hộ gia đình ứng dụng vi sinh IMO để trồng rau an toàn, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh gắn với "Sản xuất thực phẩm an toàn” thân thiện với môi trường...

THANH HẰNG
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.