Thu gom trên 56 tấn vỏ hộp giấy trong gần 4 năm tại trường học

  • Cập nhật: Chủ nhật, 28/4/2024 | 2:26:33 Chiều

Sau gần 4 năm triển khai mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn huyện Tiên Du, chương trình đã thu gom được trên 56 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với 5,6 triệu vỏ hộp sữa.

Ngày 24/4, Tetra Pak phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Tiên Du (Bắc Ninh) và Công ty CP Lagom Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 4 năm triển khai mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn huyện Tiên Du. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến mới trong hành trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải carbon.


 Thông qua những hoạt động của chương trình góp phần giáo dục ý thức trân trọng tài nguyên, bảo vệ môi trường cho các em học sinh 

Theo báo cáo tại Hội nghị, tính từ tháng 5/2020, chương trình đã thu hút sự tham gia tích cực của 19 trường học tại Tiên Du và 15 trường học tại các vùng phụ cận của tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội. Với sự tham gia của hơn 60 nghìn học sinh và giáo viên, cùng khoảng 250 nghìn người dân, chương trình đã góp phần tạo ra một văn hoá phân loại rác trong cộng đồng, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống thực hiện cam kết tái chế bao bì theo quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhập khẩu (EPR).

Bà Lương Thanh Thư, Trưởng Phòng Phát triển bền vững của Tetra Pak Việt Nam, chia sẻ: "Mô hình thu gom và tái chế tại Tiên Du có ý nghĩa quan trọng khi mở rộng đến vùng nông thôn, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng mô hình này trở thành nòng cốt để nhân rộng đến toàn tỉnh Bắc Ninh, từ đó hỗ trợ xử lý rác thải và giúp các nhà sản xuất thực hiện hiệu quả trách nhiệm tái chế bao bì của mình."

Chương trình được phát triển từ mô hình thu gom, tái chế vỏ hộp giấy tại các trường học ở Hà Nội và TP.HCM, do Tetra Pak và Lagom Việt Nam khởi xướng từ năm 2018. Sau gần 4 năm triển khai, chương trình đã thu gom được trên 56 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với 5,6 triệu vỏ hộp sữa. Buổi lễ tổng kết cũng khen ngợi 16 trường học có lượng vỏ hộp giấy thu gom cao nhất, là điểm nhấn để lan toả chương trình đến các trường học khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Bà Trần Thị Hoa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tiên Du, chia sẻ: "Việc giảm phát thải carbon là một vấn đề cần sự chung tay của nhiều phía. Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng hợp tác thu gom vỏ hộp giấy của Tetra Pak và Lagom, cũng như những thành tựu mà chương trình đã đạt được. Tôi hy vọng những kết quả này sẽ là động lực cho các nhà sản xuất trên địa bàn học tập và hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững."

Tetra Pak cùng với các đối tác đã nỗ lực mở rộng chương trình thu gom và tái chế vỏ hộp giấy tới nhiều địa phương hơn, như gần đây là tỉnh Bình Dương. Chương trình này là một phần cam kết của Tetra Pak trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thông qua những hoạt động của chương trình cũng góp phần giáo dục ý thức trân trọng tài nguyên, bảo vệ môi trường cho các em học sinh.

TÚ ANH

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.