Hiện hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp Lương Điền mới chỉ sử dụng 1/4 công suất, đạt khoảng 250m3/ngày đêm
Phát triển các cụm công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giải quyết việc làm tại chỗ, đồng thời khắc phục tình trạng sản xuất phân tán. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng sẽ phải đánh đổi về môi trường.
Duy nhất 1 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung
Cho tới tháng 5/2024, cụm công nghiệp Lương Điền là cụm duy nhất ở Hải Dương có hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo đảm quy định. UBND tỉnh phê duyệt chủ đầu tư hạ tầng ngay từ khi có quyết định thành lập nên cụm này được đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Cụm công nghiệp Lương Điền do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Dương làm chủ đầu tư. Cụm này hiện có 14 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 12 doanh nghiệp thuê lại đất của công ty và 2 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất trước khi phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp. Năm 2019, hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp Lương Điền chính thức đi vào hoạt động, có công suất xử lý 1.000m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Hiện nhu cầu xử lý nước thải tại cụm mới chỉ đạt ¼ công suất của hệ thống (đạt 250m3/ngày đêm). Chủ đầu tư cụm đã xây dựng các công trình như khu ép bùn, kho chứa rác thải nguy hại, hồ ứng phó xử lý sự cố, hệ thống quan trắc môi trường tự động… theo quy định.
Chủ đầu tư cũng yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động trong cụm phải có hệ thống xử lý nước thải riêng trước khi xả vào hệ thống thoát nước thải chung của cụm công nghiệp. "Chúng tôi luôn quan tâm, nhắc nhở các doanh nghiệp khách hàng trong cụm công nghiệp chú ý công tác bảo vệ môi trường, chấp hành quy định về xả thải. Đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung phải thường xuyên kiểm tra, phối hợp cơ quan chức năng đánh giá nước thải đủ điều kiện trước khi thải ra môi trường…”, ông Bùi Văn Đà, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Dương cho biết.
Theo quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Hải Dương sẽ có 76 cụm công nghiệp. Hiện tại, 58 cụm công nghiệp có quyết định thành lập, trong đó 33 cụm đã có chủ đầu tư hạ tầng, 25 cụm chưa có chủ đầu tư hạ tầng.
Trong số các cụm có chủ đầu tư hạ tầng thì có tới 78,7% số cụm công nghiệp mới thành lập, chưa đi vào hoạt động, đang hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai và môi trường... Chỉ có 7 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động gồm: Hồng Phúc - Hưng Long, Nghĩa An (Ninh Giang), Ba Hàng (TP Hải Dương), Cao Thắng (Thanh Miện), Cộng Hòa (Kim Thành), Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), Lương Điền (Cẩm Giàng). Duy nhất cụm Lương Điền có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Trên đây là những con số được Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra trong báo cáo về công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Hải Dương.
Nhiều cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung
Cần giải pháp đồng bộ
Một trong những nguyên nhân chính khiến 6 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung là do các cụm này được UBND tỉnh quyết định thành lập dựa trên việc quy hoạch các cơ sở hoạt động đã có sẵn. Sau này các cụm công nghiệp mới được phê duyệt, chấp thuận bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng. Hiện tại, các chủ đầu tư hạ tầng này đang thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, đất đai, môi trường… Dự kiến đến năm 2025, các chủ đầu tư sẽ đưa 6 cụm công nghiệp này đi vào hoạt động chính thức và lúc đó mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh còn 25 cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Đây đều là các cụm công nghiệp cũ, được UBND tỉnh thành lập dựa trên quy hoạch các cơ sở hoạt động đã có sẵn. Các cụm này đều chưa được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hầu hết các cụm công nghiệp này đã được lấp đầy nên việc thu hút đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn...
Tại các cụm chưa có chủ đầu tư hạ tầng, vấn đề xử lý môi trường còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt. Ngày 10/10/2023, UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Bao Bì FacKco Việt Nam ở cụm công nghiệp Cao An (Cẩm Giàng) 152 triệu đồng do doanh nghiệp này xả nước thải ra ngoài môi trường có 3 thông số không bảo đảm.
Công ty TNHH Bao Bì FacKco Việt Nam bị phạt 152 triệu đồng do xả nước thải ra ngoài môi trường có 3 thông số không bảo đảm
Trước đó, tháng 8/2023, UBND tỉnh cũng xử phạt Công ty TNHH HaNoi Green Foods (cùng ở cụm công nghiệp Cao An) 725 triệu đồng do xả nước thải ra môi trường có 6 thông số thông thường vượt chuẩn...
Để công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn mang lại hiệu quả, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý, triển khai cụm công nghiệp, quản lý môi trường ngay từ khi xây dựng hạ tầng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cụm công nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý và yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục vi phạm môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường 2020, kiên quyết không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong cụm công nghiệp khi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung. Tham mưu UBND tỉnh kịp thời bổ sung chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị chủ đầu tư và doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường...
Theo quy hoạch, Hải Dương còn gần 20 cụm công nghiệp chưa triển khai. Tới đây, chủ đầu tư các cụm này cần thực hiện đồng bộ hạ tầng, trong đó có hệ thống xử lý nước thải, chất thải, tránh gây khó khăn trong quản lý môi trường sau này.
Thành Long - Thanh Hoa/Báo Hải Dương