Lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ nhân Ngày Môi trường thế giới 2024

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/6/2024 | 3:51:20 Chiều

Ngày 5/6, thế giới kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới, một dịp đặc biệt nhằm nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ hành tinh.

Năm 2024, thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhân ngày Môi trường thế giới nhấn mạnh về mối nguy cơ nghiêm trọng được tổng hợp từ ô nhiễm, biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học đang đẩy nhiều vùng đất trên thế giới vào nguy cơ sa mạc hóa.



Trong thông điệp của mình, Tổng Thư ký António Guterres cảnh báo rằng mối nguy hại tổng hợp nói trên đang biến những vùng đất "khỏe mạnh” thành sa mạc, tàn phá rừng, đồng cỏ, làm giảm sức mạnh của đất đai trong việc hỗ trợ hệ sinh thái, nông nghiệp và cộng đồng. Hậu quả là mùa màng thất bát, nguồn nước cạn kiệt, kinh tế suy yếu và các cộng đồng, đặc biệt là những người nghèo nhất, đang phải đối mặt với nguy hiểm lớn.

Lời kêu gọi hành động cấp bách

Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các quốc gia thực hiện tất cả các cam kết để khôi phục hệ sinh thái và đất đai bị suy thoái, cũng như thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các kế hoạch hành động về khí hậu quốc gia để ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030. Đồng thời, kêu gọi tăng cường tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với thời tiết khắc nghiệt, bảo vệ thiên nhiên và hỗ trợ phát triển bền vững.

Ông Guterres khẳng định: "Hành động nhanh chóng và hiệu quả sẽ mang lại ý nghĩa lớn về mặt kinh tế. Mỗi USD được đầu tư vào việc phục hồi hệ sinh thái sẽ mang lại lợi ích kinh tế lên tới 30 USD… Hãy cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững cho đất đai và cho nhân loại.”

Theo tuyên bố của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Saudi Arabia, quốc gia Trung Đông này sẽ là nơi tổ chức Ngày Môi trường Thế giới 2024, với trọng tâm phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa. Sự kiện này thu hút sự tham gia của hàng triệu người từ các chính phủ, doanh nghiệp, xã hội dân sự và các tổ chức giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức và hành động về các vấn đề môi trường.

Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái

Theo Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), khoảng 40% diện tích đất đai trên hành tinh đang bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, và nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Phục hồi đất là một trụ cột chính trong Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái của LHQ (2021 - 2030). Đây là lời kêu gọi toàn cầu để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, điều rất quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững. Thiệt hại về môi trường do con người gây ra đang ngày càng gia tăng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, mất hệ sinh thái và sa mạc hóa đất đai.

Ngày Môi trường Thế giới 2024 tập trung vào việc phục hồi đất đai, ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa và xây dựng khả năng chống chịu hạn hán. Theo LHQ, "Chúng ta không thể quay ngược thời gian, nhưng chúng ta có thể trồng rừng, hồi sinh nguồn nước và phục hồi đất đai”. 

Thông điệp của Tổng Thư ký António Guterres và những hành động cụ thể từ các quốc gia trên thế giới là lời kêu gọi mạnh mẽ để đối phó với tình trạng sa mạc hóa và biến đổi khí hậu. Chỉ bằng cách hợp tác toàn cầu và hành động khẩn trương, chúng ta mới có thể bảo vệ và khôi phục môi trường sống, đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.

TÙNG LÂM
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.