Phụ nữ Bình Thuận chung tay bảo vệ môi trường, chống hạn hán

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2024 | 4:34:28 Chiều

Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Bình Thuận đã và đang tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, thu hút cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng tích cực tham gia.


Hành động vì môi trường xanh

Tại Đức Linh, chủ đề được các chị quan tâm và tập trung tuyên truyền đó là "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”. Thông qua truyền thông và theo sự hiểu biết của các chị, nông nghiệp là "trụ đỡ” của nền kinh tế nước ta, theo đó chất lượng đất ảnh hưởng rất lớn đối với sản lượng ngành. Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, rét đậm, rét hại, sương muối… ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra vào mùa khô trở nên ngày càng nghiêm trọng. Vì thế, thật đơn giản khi mỗi người đều có thể góp phần phục hồi đất bị suy thoái bằng cách thay đổi lối sống sinh hoạt hằng ngày như hạn chế sử dụng túi nilon và nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phân loại rác thải ngay từ gia đình, tại nơi ở, cơ quan, công sở, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các khu vực công cộng vì sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng hay trồng nhiều hoa, cây xanh.


Phụ nữ Đức Linh hưởng ứng trồng cây xanh.

Bà Võ Thị Ngọc Mai – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Linh cho biết: Ngoài 19 tuyến đường đường hoa, tuyến đường xanh, sạch, đẹp góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đã được thực hiện trước đó, thì ngay trong lễ phát động, các hội viên, phụ nữ đã trồng thêm 256 cây hoa và cây xanh các loại tại các tuyến đường trong thôn.


Trao giỏ nhựa đi chợ cho hội viên, phụ nữ

Còn tại xã Sông Bình (Bắc Bình), cùng hành động bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các chị lại chọn cách trao giỏ nhựa đi chợ cho hội viên để hạn chế sử dụng túi nilon, bảo vệ môi trường. Đồng thời hướng dẫn chị em tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; chương trình "Từ gom phế liệu đến triệu phần quà”.

Tại thời điểm này, các cấp Hội Phụ nữ vẫn đang phối hợp tổ chức ra quân xóa "điểm đen” rác thải; tuyên truyền ô nhiễm môi trường, tác hại của rác thải đối với sức khỏe con người, nhất là rác thải nhựa và túi nilon; cắm bảng cảnh báo và vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định, dọn vệ sinh tại khu dân cư, các bãi đất trống. Cùng với đó, nhân rộng hoạt động "Đổi rác lấy cây xanh”, thu gom rác đổi thẻ bảo hiểm y tế, biến bãi rác thành đường hoa. Vận động hội viên, phụ nữ, nhân dân quan tâm sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi và trồng trọt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc. Hướng dẫn cơ sở Hội xây dựng hố rác xử lý rác thải tại đồng ruộng để thu gom các chai lọ và phế phẩm thuốc bảo vệ thực vật.


Phụ nữ và cộng đồng cùng tham gia dọn sạch bờ biển tại khu vực bờ kè thị trấn Liên Hương

Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo đã và đang góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề của địa phương. Đây là những minh chứng sinh động khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Phụ nữ trong tỉnh nhằm hiện thực hóa cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào "Chống rác thải nhựa” và đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025”...

MINH ANH (T/h)

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.