Nhà máy xử lý rác mini tuần hoàn, biến rác thành phân bón và xăng dầu

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/7/2024 | 3:39:33 Chiều

Nhà máy có quy trình xử lý rác thải khép kín, với năng lực xử lý mỗi ngày trên 20 tấn rác, thu về khoảng 6 tấn phân hữu cơ và 200 lít xăng dầu.

Rác thải sinh hoạt lâu nay bị bỏ phế, trở thành vấn nạn tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, sáng kiến độc đáo của ông Võ Hoài Phong đã biến chúng thành hàng hóa giá trị như phân bón và xăng dầu. Tại bãi rác xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, ông Phong đã xây dựng thành công nhà máy xử lý rác mini tuần hoàn, mở ra giải pháp cho vấn đề rác thải và môi trường.

Ông Võ Hoài Phong, 58 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM, là chủ một garage sửa xe ô tô với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành cơ khí đã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng từ năm 2016 đến 2019 để nghiên cứu và phát triển mô hình nhà máy xử lý rác tuần hoàn kiểu mini. 


Phần lớn thiết bị của nhà máy do ông Phong và đội ngũ công nhân công ty tự thiết kế, chế tạo. Ảnh: Mỹ Tho

Sử dụng kiến thức cơ khí, ông Phong chế tạo lò đốt rác yếm khí để tạo ra gas tổng hợp và phát điện. Đồng thời, ông còn sản xuất các động cơ phân loại, vệ sinh rác thải, nghiền nén rác thải rắn, nhựa tổng hợp để tạo vật liệu xây dựng, và tinh chế xăng dầu từ quá trình đốt yếm khí.

Năm 2023, ông Phong đưa mô hình này đến bãi rác tại ấp Hòa Phú, xã Long Bình, nơi hàng nghìn tấn rác đã gây ô nhiễm trầm trọng. Với sự đầu tư thêm gần 30 tỷ đồng, ông đã mua sắm máy móc, thiết bị cần thiết và nghiên cứu nuôi vi sinh để sản xuất chế phẩm sinh học, xử lý mùi hôi đặc trưng.

Hiện tại, nhà máy của Công ty Nam Long Xanh do ông Phong làm giám đốc đã dần hoàn thiện quy trình xử lý rác thải khép kín, với năng lực xử lý mỗi ngày trên 20 tấn rác, thu về khoảng 6 tấn phân hữu cơ và 200 lít xăng dầu. Ông Đỗ Hoàng Dũng, Phó trưởng ấp Hòa Phú, nhận xét mô hình đã giúp giảm ô nhiễm đáng kể, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân địa phương.

Với sự thành công ban đầu, ông Phong và cộng sự quyết tâm mở rộng mô hình. Trong bối cảnh các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương trên cả nước đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm từ các bãi rác, mô hình của ông Phong mang lại hy vọng mới cho việc xử lý rác thải hiệu quả và bền vững.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, cho biết mô hình này đáp ứng yêu cầu kinh tế tuần hoàn và đang trong quá trình thẩm định để đảm bảo tính pháp lý. Mục tiêu là mở rộng quy mô và ứng dụng rộng rãi mô hình để giải quyết vấn đề môi trường nghiêm trọng hiện nay.

Bãi rác Long Bình đã giảm đáng kể mùi hôi và lượng rác thải, nhờ nỗ lực không ngừng của ông Võ Hoài Phong và công ty Nam Long Xanh. Dù chưa thu lợi nhuận, ông Phong vẫn lạc quan và mong nhận được sự đầu tư, hỗ trợ về vốn và thủ tục pháp lý để mô hình này có thể mở rộng và giải quyết triệt để vấn nạn rác thải tại nhiều địa phương.

TÙNG LÂM

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.