Đổi mới truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền phân loại rác tại nguồn

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/8/2024 | 4:37:23 Chiều

Bộ KH&CN đã tập trung vào việc tuyên truyền mục đích và ý nghĩa của công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) một cách hiệu quả và sáng tạo.


Ảnh minh hoạ. ITN

Trong bối cảnh công tác phân loại CTRSH đang được triển khai rộng rãi trên cả nước, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tích cực thúc đẩy và tuyên truyền về hoạt động này nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đây là một phần trong nỗ lực toàn diện của Bộ để khuyến khích phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải, hạn chế chôn lấp.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung vào việc tuyên truyền mục đích và ý nghĩa của công tác phân loại CTRSH một cách hiệu quả và sáng tạo. Bộ đã đổi mới phương thức và hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ, kết hợp các kênh thông tin và mạng xã hội để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Các hoạt động thực tiễn đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn.

Đặc biệt, Bộ KH&CN đã phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 với mã số KC.06/21-30. Chương trình này nhằm ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong xử lý và tái chế chất thải, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Mục tiêu là phát triển công nghệ sản xuất và chế tạo thiết bị, phương tiện phục vụ phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất quy mô công nghiệp các thiết bị bảo vệ môi trường.

Mới đây, Bộ KH&CN đã phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo "Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo nhằm giúp các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt thực trạng và lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Trần Hồng Thái, khẳng định tại Hội thảo rằng Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ thông qua các chương trình, nhiệm vụ KH&CN. Bộ cũng cam kết thẩm định và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, và thực hiện các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH.

Bộ KH&CN sẽ tiếp tục theo sát các nội dung từ Nghị quyết, khung Chương trình do Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&CN phê duyệt. Trong thời gian tới, Bộ sẽ duy trì sự hỗ trợ và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thích hợp để khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực này. Bộ cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tận dụng năng lượng và tài nguyên từ rác thải, khuyến khích mô hình xử lý tập trung, quy mô lớn và công nghệ hiện đại.

Với vai trò là đầu mối truyền thông của Bộ KH&CN, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan báo chí để đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình KH&CN cấp quốc gia, cũng như về mục đích và ý nghĩa của công tác phân loại CTRSH. Tất cả hướng đến mục tiêu hoàn thành công tác phân loại rác tại nguồn chậm nhất là vào ngày 31/12/2024.

TÚ ANH

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.