Xem nhẹ yếu tố môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/8/2024 | 4:37:30 Chiều

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Ngày 11/7, đoàn Thanh tra thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra, xác minh về trách nhiệm bảo vệ môi trường của UBND TX Hồng Lĩnh, chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp (CCN) Nam Hồng tại phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh. Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng, được thực hiện từ tháng 1/2018 trên diện tích hơn 42ha.

Tại Quyết định số 1467/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án hạ tầng kỹ thuật CCN Nam Hồng ngày 23/6/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phê duyệt điều chỉnh đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung với công suất 1.350m3/ngày đêm, bao gồm các hạng mục chính: san nền; trạm xử lý nước thải; sân phơi bùn; bãi thu gom rác thải rắn; nhà điều hành; hồ chứa sự cố; cổng, hàng rào.


Cụm công nghiệp Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh có tổng mức đầu tư 72 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay mặc dù tỷ lệ lấp đầy tại CCN Nam Hồng là hơn 80%, nhưng chủ đầu tư là UBND thị xã Hồng Lĩnh lại "quên” nhắc nhở, yêu cầu các nhà đầu tư tuân thủ các quy định về đảm bảo môi trường. Điều này được đoàn kiểm tra của Sở TN&MT chỉ ra tại biên bản vi phạm hành chính ngày 11/7/2024.

Theo đó, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2023 (thời kỳ thanh tra), chủ đầu tư dự án CCN Nam Hồng là UBND thị xã Hồng Lĩnh đã tiếp nhận 6 dự án có phát sinh nước thải vào cụm công nghiệp khi chưa có hệ thống thu gom, thoát và xử lý nước thải tập trung theo quy định. Trên cơ sở đó, ngày 12/7/2024, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã ban hành văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh xử phạt vi phạm hành chính đối với UBND thị xã Hồng Lĩnh số tiền 160 triệu đồng.

Trước đó, Kiểm toán nhà nước đã tiến hành kiểm toán hoạt động công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn Hà Tĩnh, qua đó chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại và sai phạm. Giai đoạn 2020 - 2023, huyện Can Lộc và huyện Đức Thọ chưa phê duyệt và thực hiện kế hoạch di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hoạt động phát triển CCN trên địa bàn; chưa lập và triển khai biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề.

UBND huyện Đức Thọ là chủ đầu tư CCN Trường Sơn nhưng đến nay chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng kinh doanh theo quy định. CCN Trường Sơn tại thôn Bến Đền, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ được thành lập từ năm 2014 trên diện tích 4,2ha nhưng đến nay chỉ mới có 8 nhà đầu tư thứ cấp, tỉ lệ lấp đầy đạt 18,81%, theo báo cáo của UBND xã Trường Sơn, CCN này không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, không có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và cũng không có công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Ngoài ra, theo Kiểm toán nhà nước, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có tới 18 CCN đã hoạt động nhưng chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; chưa lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định; 3 CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư nhưng chưa có đánh giá tác động môi trường.

Cũng tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều CCN và làng nghề chưa có hệ thống nước thải tập trung hoặc đã có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Trong đó, 3 CCN không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 2 CCN đã có nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, 3 CCN vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng không có giấy phép xả nước thải. Một số CCN, làng nghề mặc dù đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng quá trình hoạt động lại thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ theo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Đơn cử, CCN Thái Yên tại huyện Đức Thọ thi công trạm xử lý nước thải không đúng công nghệ xử lý, chưa thi công bãi xử lý chất thải rắn theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt; chưa thi công hệ thống xử lý khí thải của lò sấy gỗ. Cũng tại huyện Đức Thọ, CCN Đức Thọ được xây dựng tại vị trí không đúng, diện tích cũng vênh so với quy hoạch đã được phê duyệt.

Quá trình đó, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã không tham mưu UBND tỉnh thực hiện phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm. Do vậy, ngay sau khi Kiểm toán nhà nước có báo cáo về thực trạng các CCN, làng nghề trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản đôn đốc, chỉ đạo Sở TN&MT tổ chức thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước tại các CCN, làng nghề trên địa bàn và xử lý các hành vi vi phạm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định.

Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà cũng yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm đối với UBND huyện Đức Thọ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Trường Sơn theo quy định. Cùng hành vi tiếp nhận một số dự án mới khi chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như CCN Nam Hồng, cũng sẽ xử lý đối với UBND huyện Cẩm Xuyên là chủ đầu tư dự án CCN Bắc Cẩm Xuyên về hành vi tương tự.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tiếp tục kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường tại các CCN và làng nghề; đồng thời có biện pháp giám sát, theo dõi việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại về bảo vệ môi trường. Đồng thời, rà soát các quy định về điều kiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của các CCN và tham mưu xử lý tồn tại đối với các CCN không đảm bảo điều kiện hạ tầng bảo vệ môi trường.

Tổ chức rà soát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề theo quy định; nghiên cứu, đề xuất giải pháp và triển khai các kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sau khi thực hiện rà soát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề. Tỉnh Hà Tĩnh sẽ thu hồi bằng công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống đối với các làng nghề được đánh giá không đáp ứng tiêu chí công nhận làng nghề theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Hà Tĩnh cũng sẽ chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tồn tại, hạn chế được nêu tại Báo cáo kiểm toán như việc các chủ đầu tư chưa hoặc chậm tiến độ đầu tư xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo đúng cam kết; việc tiếp nhận một số dự án mới vào CCN trên địa bàn khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Thiên Thảo/cand.com.vn
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.