Khánh thành Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/9/2024 | 3:45:51 Chiều

Sáng ngày 30/8, Ban Quản lý dự án Xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Xử lý Nước thải Bình Hưng tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một cột mốc quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường của TP.HCM, khẳng định cam kết của thành phố trong việc cải thiện chất lượng nước, giảm thiểu ô nhiễm, và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.


Các đại biểu bấm nút khánh thành Nhà máy Xử lý Nước thải Bình Hưng 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này trong bối cảnh thành phố đang đối mặt với những thách thức môi trường nghiêm trọng.

"TP.HCM luôn coi việc bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu thu gom và xử lý 100% lượng nước thải sinh hoạt và rác thải trên địa bàn. Việc đưa vào vận hành Nhà máy Xử lý Nước thải Bình Hưng sẽ nâng tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải của TP.HCM từ 20,6% lên 40,8%, và dự kiến đạt 71,3% vào năm 2025,” ông Cường khẳng định.

Nhà máy Xử lý Nước thải Bình Hưng không chỉ là một công trình kỹ thuật hiện đại, mà còn là một không gian xanh, tích hợp giáo dục và nghiên cứu.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, sau gần 20 năm triển khai, từ một vùng cù lao sình lầy, Bình Hưng đã trở thành một khu xử lý nước thải hiện đại nhất cả nước, với công suất 469.000 m³/ngày đêm. Đây là nỗ lực trong việc cải thiện môi trường nước của thành phố, đặc biệt là các lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ.

Nhà máy Bình Hưng là một phần của dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng.

Dự án được triển khai để thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt từ khu vực hơn 2.100 ha, bao gồm các quận 4, 5, 6, 8, 10 và 11, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho khoảng 2 triệu dân. Nước thải từ các khu vực này sẽ được chuyển tới Nhà máy Bình Hưng để xử lý, giúp giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng nước tại các kênh rạch trong thành phố.

Với công suất xử lý lớn nhất cả nước, Nhà máy Bình Hưng hứa hẹn sẽ góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường TP.HCM.

Không chỉ dừng lại ở việc xử lý nước thải, nhà máy còn được quy hoạch thành một điểm đến xanh, tích hợp hàng chục hecta cây xanh, các phòng thí nghiệm và hệ thống quan trắc, trở thành một trung tâm học tập, đào tạo và tham quan về môi trường cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

TÙNG LÂM
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.